Vẫn theo RFI, khẳng định này được đưa ra đúng vào lúc Thủ tướng Hungary Orbán Viktor tỏ ý không hài lòng với chính sách trừng phạt mà Liên hiệp Châu Âu áp dụng đối với Liên bang Nga, và quan điểm đó đã bị một số nước Châu Âu phản đối.
Đáng nói là phe đối lập Hungary đã tận dụng cơ hội này để đặt vấn đề chất vấn những thành viên chính phủ mà họ coi là có liên quan và theo nhận định của báo giới nước này, chắc chắn trong những ngày tới bê bối kể trên sẽ vẫn còn được gia tăng trên chính trường nước Hung.
Cáo buộc chuyên chở xe tăng
Theo Bộ Ngoại giao Nga, Hungary đã vi phạm quan điểm về xuất khẩu vũ khí do Liên hiệp Châu Âu đưa ra vào năm 2008 khi nước này chuyển giao xe thiết giáp - trong đó có loại xe tăng T-72 - cho nước láng giềng Ukraine hiện đang trong cuộc chiến chống phiến quân ly khai.
Cần biết rằng, T-72 từng là loại xe tăng chiến đấu chủ lực và tối tân của Liên Xô, được đưa vào sử dụng trong quân đội nước này vào năm 1973 và cho tới nay, nó vẫn được dùng ở chừng 40 nước trên thế giới. Loại chiến xa này đã có mặt trong nhiều cuộc chiến tranh gần đây ở Châu Âu và trên thế giới như cuộc chiến Nam Tư, Kosovo, chiến tranh vùng Vịnh và các cuộc chiến Chechnya.
Theo một số tài liệu, hiện tại Hungary còn sở hữu chừng 130 chiếc T-72, trong khi Ukraine có 1.200 chiếc, so với gần 10 ngàn chiếc đang hoạt động của Liên bang Nga. Dựa vào một thông tin, Moscow khẳng định rằng Bộ Quốc phòng Hungary đã cố tình “bán tống” loại xe tăng T-72 cho một doanh nghiệp với giá chỉ bằng một phần mười giá thị trường, để công ty này “tuồn” cho Ukraine.
Để trả lời, ngay trong ngày, Bộ Ngoại giao Hungary đã cương quyết bác bỏ cáo buộc nói trên, và cho biết các xe thiết giáp cùng những thiết bị quân sự khác chỉ được phía Hung chở từ nhà kho này sang nhà kho khác, chứ không hề ra khỏi biên giới Hungary.
Theo công bố ra ngày 15/8 tuần qua của Ngoại giao Hungary, những chuyến vận tải này là sự thực hiện những thay đổi trong hệ thống hậu cần của quân đội Hungary, vốn đã được lên kế hoạch từ nhiều năm nay, chứ không hề liên quan gì đến những sự kiện đang diễn ra tại Ukraine.
Tuy nhiên, như báo chí Hung nhận xét, Bộ Ngoại giao Hungary không bình luận thông tin của phía Nga, cho rằng Hung đã “đi đêm” với Ukraine thông qua một doanh nghiệp trung gian, chứ không làm điều này một cách trực tiếp.
Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến Đảng Xã hội Hungary, hiện là một chính đảng đối lập lớn ở nước này, đã đề nghị các vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Kinh tế Quốc gia phải ra điều trần tại phiên họp chung của các Ủy ban An ninh Quốc gia và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, sẽ diễn ra trong tuần này.
Trang mạng bí ẩn
Điểm được báo chí Hungary coi là đặc biệt nhất trong sự cáo buộc của Moscow, là phía Nga đã viện dẫn những thông tin của tờ báo mạng “Chân cầu” (Hídfő.net), vốn là một trang tin không được mấy ai biết đến tại Hungary cho dù nó đã hiện diện từ tháng 10/2012.
Trên trang trực tuyến có nhiều bí hiểm này, ba ngày trước khi Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng, “Chân cầu” đã có một bản tin dựa trên những tấm hình do độc giả cung cấp, cho rằng loại xe tăng T-72 mà quân đội Hungary hiện đang sở hữu đã được “tuồn” cho Ukraine.
Khi tìm hiểu về mạng tin “Chân cầu” này, báo chí Hung cho hay dường như nó có nhiều thông tin về chiến sự tại Ukraine còn hơn cả các hãng thông tấn lớn. Đáng chú ý là mọi tin, bài của “Chân cầu” đều có khả năng chia sẻ trên Vkontakte - một mạng xã hội rất được ưa chuộng ở Nga, nhưng ở Hung thì hầu như không ai dùng.
Về nội dung, “Chân cầu” được coi là một mạng tin cực hữu và có quan điểm hoàn toàn ủng hộ Moscow trong cuộc chiến Ukraine. Báo chí Hung cho rằng, dường như nó là một sản phẩm được duy trì để đăng tải những thông tin bịa đặt, bóp méo, cũng như để thực hiện cuộc chiến tuyên truyền của Nga chống lại Kiev
Ngay trong lần xuất hiện đầu tiên trên mạng xã hội Facebook, tờ báo này cũng dùng tiếng Nga để thông báo về việc một mạng tin mới ra đời. Bản tin được Bộ Ngoại giao Nga viện dẫn để cáo buộc phía Hung cũng được mở đầu bằng những lời lẽ khiêu khích: “Chính phủ Kiev đã thất bại, mùa đông năm nay Ukraine sẽ không có sưởi. Người dân rời Kiev về nông thôn hàng loạt để trú ngụ trong những ngôi nhà thôn quê có thể sưởi bằng gỗ”.
Ngoài “nghi án” Hungary chuyển giao xe tăng cho Ukraine, bản tin nói trên còn cho hay nước Hung đã rao bán loại máy bay MiG-29 từ năm ngoái, và khả năng là cũng sẽ dành cho Ukraine loại tiêm kích phản lực thế hệ bốn này.
Đi sâu vào phân tích, báo giới Hung cho hay đứng sau mạng tin là một nhóm tân phát-xít Hung đã tồn tại từ lâu nay mang tên Mặt trận Quốc gia Hungary (MNA). Lãnh đạo tổ chức này là Győrkös István, một Hung kiều hồi hương năm 1989 và ngay sau đó đã thành lập một phong trào theo xu hướng quốc xã.
Nhiều thành viên của nhóm tân phát-xít này đã bị bắt giữ vào năm 1992, người đứng đầu của nó thì bị án tù treo. Mặt trận Quốc gia Hungary còn huấn luyện vũ trang cho các thành viên trong các kỳ trại được tổ chức thường niên, và gần đây nhất, vào mùa thu năm ngoái, tổ chức này được nhắc tới với chiến dịch đốt sách, trong đó có sách của Radnóti Mikós là một thi hào gốc Do Thái nổi tiếng của Hungary.
Hungary rơi vào thế khó xử
Những thông tin đăng trên tờ “Chân cầu”, cũng như sự cáo buộc chính thức của Moscow đã đặt Hungary - một nước có biên giới với Ukraine và trước nay vốn có quan điểm mềm mỏng với Nga trong xung đột tại Ukraine - vào vị thế khó xử.
Đặc biệt, mạng tin cực hữu nói trên còn khẳng định rằng, Hoa Kỳ đã đề nghị các thành viên NATO hiện còn sử dụng kỹ thuật thời Xô-viết, hãy chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Trong bối cảnh ấy, hành động bị cáo buộc của Hungary thậm chí có thể làm ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao “mở rộng về phía Đông” mà nội các Hung vốn mong muốn, đối với nước Nga.
Như đã biết, vì những lý do lịch sử, một phần lãnh thổ Ukraine từng là đất của Vương quốc Hungary, tại đó hiện vẫn còn nhiều người gốc Hung sinh sống. Với lý do cần bảo vệ lợi ích và sự an toàn của người Hung tại Ukraine, chính phủ Orbán chỉ có phản ứng rất muộn màng và yếu ớt trước sự can thiệp của Liên bang Nga vào Ukraine.
Gần đây nhất, cũng vào thứ Sáu tuần trước, tức là đúng vào lúc Bộ Ngoại giao Nga đưa ra cáo buộc đối với Hungary, Thủ tướng Orbán Viktor lại có một phát biểu mang tính “chủ bại” và phê phán EU khi ông cho rằng chính sách trừng phạt của Phương Tây đối với Liên bang Nga không khác gì “tự mình bắn vào chân mình”.
Trả lời phỏng vấn Chương trình Buổi sáng của Đài Phát thanh Quốc gia Hungary, ông Orbán còn khẳng định: Những biện pháp trừng phạt kinh tế mà Phương Tây áp dụng đối với Matxcơva là “đi ngược lại lợi ích dân tộc của Hungary”, chính sách này về căn bản “có hại cho chúng ta nhiều hơn là cho Nga”.
Phát biểu đó của ông Orbán đã gặp phải sự phản đối của giới ngoại giao một số nước, trong đó, gay gắt nhất là của Cộng hòa Lit-va. Bộ trưởng Ngoại giao quốc gia vùng Baltic này phản bác lại rằng “thà tự bắn vào chân còn hơn để bị kẻ khác bắn vào đầu” và theo hãng Reuters, khẳng định đó phản ứng nỗi quan ngại trước cách hành xử bạo ngược của Nga.
Phản ứng yếu ớt trước hành động can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine và không mặn mà trước những biện pháp cấm vận và trừng phạt Nga của EU, nhưng lại chịu sự cáo buộc của Nga, thông qua nguồn tin trên một trang mạng thân Nga của giới cực hữu Hungary - đó là tất cả những gì được báo chí Hung coi là kỳ quặc mà chính họ cũng chưa có bình luận hay sự lý giải rốt ráo.
Một điều chắc chắn mà truyền thông Hungary cũng khẳng định: Bê bối này sẽ vẫn còn được gia tăng trên chính trường nước Hung trong những ngày tới, và hậu quả của nó hiện chưa ai có thể đoán được!