Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng hát với nữ ca sĩ nổi tiếng Nga Larisa Dolina nhân kỷ niệm một năm sáp nhập Crimée, 18/03/2015. Ảnh REUTERS/Maxim Shipenkov/Pool
Tiếp đặc phái viên của Le Monde tại văn phòng ở Moscow, luật sư đối lập 38 tuổi này tỏ ra gay gắt với chế độ Putin và phản bác một số quan niệm mà ông thường nghe thấy ở Phương Tây.
Trả lời câu hỏi ông nghĩ sao về 10 ngày vắng bóng của Tổng thống Nga vừa qua, Navalny cho là giải thích có thể rất đơn giản: Ông ấy có lẽ bị bệnh. Nhưng quan trọng là điều này chứng minh Putin không phải là một yếu tố (bảo đảm) ổn định như người ta thường nghĩ ở phương Tây. Người ta nghĩ là nước Nga có một lãnh đạo kỳ dị, nhưng nắm được vũ khí hạt nhân.
Nhưng thực tế là Putin đã biến mất, và trong suốt 10 ngày người ta đưa ra những hình ảnh bị cắt xén, điện Kremli cố che đậy, trám sự vắng mặt này với những tuyên bố hùng hồn được thu trước, về vũ khí hạt nhân hay về việc kiểm tra đơn vị quân đội đặt trong tình trạng báo động. Đây là chuyện bình thường trong thực tế Nga, nhưng lại trở thành những chủ đề phát biểu to lớn, cho thấy Nga đối đầu với cả thế giới.
Đối với ông Navalny, thì Tổng thống Nga cũng đã phá vỡ một cấm kỵ: Ngay thời Liên Xô cũ, không ai đưa ra lời đe dọa dùng vũ khí hạt nhân. Không ai nghĩ là sẽ có một cuộc tấn công vào Ukraine. Nhưng ông Putin đã làm, và tạo ra một nước thù nghịch bên cạnh. Và để giữ được điểm tín nhiệm của mình, ông Putin phải ngày gây thêm căng thẳng, đấy là chiến lược từ 3 năm qua và bồi đắp, duy trì nó.
Ai bật "đèn xanh" trong vụ ám sát Nemtsov?
Về vụ Boris Nemtsov bị ám sát, Ông Navalny khẳng định như đinh đóng cột là người bạn xấu số của ông không thể bị giết chết nếu không có sự đồng ý của chính quyền.
Ông Navalny giải thích: ông và Boris Nemtsov bị cơ quan an ninh FSB theo dõi, giám sát. Ông biết rõ không thể nào FSB không thấy những kẻ ám sát, không biết những gì chuẩn bị thực hiện. Hoặc là an ninh Nga cùng hoạt động với thủ phạm hoặc là nhắm mắt để họ ám sát.
Navalny giải thích ông không nghĩ là có lệnh trực tiếp từ Putin, nhưng xuất phát điểm có lẽ là tuyên bố không chính thức của Putin và giới lãnh đạo Nga với Tổng thống Chesnya Razam Kadyrov: "Chúng tôi hy vọng ông hỗ trợ chống lại ‘đạo quân thứ 5’, và Kadyrov đã hiểu ý".
Ông Navalny không tin chút nào đó là hành động của phần tử Hồi giáo cực đoan, nhưng cho đấy là giải thích đáng lưu ý của điện Kremli, vì đó là một lời cảnh báo : Hãy coi chừng những kẻ cực đoan! Xuống đường biểu tình à, cẩn thận đấy! Việc ám sát ông Nemtsov, theo Navalny, là một lời cảnh cáo không chỉ nhắm vào phe đối lập, mà cả vào giới ưu tú. Trong phe đối lập Nga, bây giờ không ai nói đến chính trị mà nói đến an ninh.
Đối với Navalny, ông Boris Nemtsov có thể trở thành Tổng thống vì đã từng ở trong guồng máy. Ông Navalny nhắc lại là từ thời Stalin có một quy tắc không thành văn là không giết một thành viên của chế độ.
Trong cuộc nói chuyện cuối cùng với ông, thì Boris Nemtsov còn rất tin tưởng, cho là ông Putin có thể ngăn không để ông ra tranh cử nhưng sẽ không làm gì hại ông, vì khi còn ở trong chính quyền, văn phòng hai người sát cạnh bên nhau.
VƯƠNG TIẾN