Năng lượng Mới số 396
Công lý mỉm cười
Sáng 14/1, các thanh niên bị hàm oan trong vụ án giết tài xế xe ôm Lý Văn Dũng ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã được VKSND tỉnh mời lên nhận phần tiền bồi thường oan sai. Theo đó, Thạch Sô Phách, Trần Văn Đỡ và Trần Hol, mỗi người được bồi thường gần 75 triệu đồng; Khâu Sóc và Trần Cua mỗi người được gần 73 triệu đồng; Nguyễn Thị Bé Diễm và Thạch Mươl mỗi người được bồi thường hơn 66 triệu.
Trong nỗi vui mừng, Trần Văn Đỡ cho biết, với số tiền này anh về sẽ mua ngay một chiếc xe gắn máy để làm phương tiện đi bẫy chuột đồng kiếm sống. Phần còn lại, anh đưa hết cho mẹ già để bà lo tiền thuốc men. Bởi lẽ, kể từ ngày Đỡ bị bắt giam, sức khỏe mẹ anh ngày càng xấu đi. Còn Khâu Sóc, anh sẽ đưa tiền về cho gia đình đi trả những khoản vay trước đây để làm lộ phí kêu oan cho anh.
Anh Trần Văn Đỡ nhận tiền bồi thường từ VKSND tỉnh Sóc Trăng
Theo nội dung vụ án: Rạng sáng 6/7/2013, người dân phát hiện thi thể ông Lý Văn Dũng (43 tuổi, hành nghề xe ôm, ngụ huyện Trần Đề) chết gục trên đường thuộc xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề. Trong quá trình truy tìm thủ phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) ra quyết định bắt tạm giam 6 nghi can để điều tra về hành vi giết người, gồm: Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc và Thạch Sô Phách, cùng ngụ huyện Trần Đề. Riêng Nguyễn Thị Bé Diễm (nhân viên phục vụ quán nhậu) cũng bị tạm giam về hành vi không tố giác tội phạm.
Vụ án tưởng chừng như đã khép lại, thậm chí Ban Chuyên án sắp được thưởng “nóng” thì bất ngờ vào giữa tháng 12/2013, Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM đầu thú. Duyên thừa nhận chính cô và Nguyễn Kim Xuyến (ngụ thị trấn Trần Đề) đã giết ông Lý Văn Dũng nhằm cướp tài sản nhưng không thành.
Cuối tháng 5/2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với 7 thanh niên trên.
Vẫn còn tiếng thở dài
Sáng ngày thứ Bảy (25/1/2014) có lẽ sẽ không bao giờ quên trong tâm trí của gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn. Đó là cái ngày mà ông như được tái sinh. Quyết định đình chỉ điều tra bị can với ông Nguyễn Thanh Chấn của Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đã được trao tận tay người đàn ông bị khép tội giết người, bắt giam oan suốt 10 năm này.
Giây phút đó, giữa sự chứng kiến của các cơ quan chức năng và đông đảo người dân thôn Me (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) ông Chấn đã bật khóc, không nói lên lời khi được nhận quyết định.
Thế nhưng, kể từ hôm đó đến nay, gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn phải mòn mỏi đấu tranh để đòi số tiền bồi thường vì án oan.
Hồi tháng 10/2014, trả lời báo giới về việc xử lý bồi thường thiệt hại do việc kết tội oan ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Trần Việt Hưng (Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, bộ Tư pháp) đã thẳng thắn cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao. Cục Bồi thường Nhà nước chỉ tác động, phối hợp “ở một mức độ nhất định”.
Theo ông Hưng, Cục đã nhiều lần chủ động gửi công văn cho TAND Tối cao đề nghị đẩy nhanh quá trình giải quyết bồi thường cho ông Chấn. Dù vụ việc đã rõ ràng, thế nhưng, trên thực tế, đến thời điểm hiện tại (1-2015), ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn chưa nhận được một đồng bồi thường nào, dù chỉ là tiền tạm ứng.
Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Nguyễn Thanh Chấn) chia sẻ: “Gia đình đã làm đơn đến lần thứ tư rồi nhưng tòa vẫn chưa động tĩnh gì”.
Theo lời bà Chiến, vào khoảng tháng 8/2014, tòa có gọi ra và yêu cầu gia đình cung cấp giấy tờ ốm đau, hóa đơn xăng, vé tàu xe... từ thời điểm ông Chấn bị tù oan nhưng thử hỏi số giấy tờ đó ai giữ được đến bây giờ?
“Tòa không thông cảm mà đòi số giấy tờ đó thì chẳng khác nào đánh đố gia đình tôi. Tết sắp đến rồi, nhà tôi cũng chẳng biết sẽ đón tết như thế nào, vì trong nhà chẳng còn vật dụng gì đáng giá. Gia đình tôi chỉ mong muốn nhận được tiền bồi thường thật nhanh để có tiền trang trải nợ nần, chữa bệnh cho tôi và ông ấy thôi”, vợ ông Chấn chia sẻ.
Chờ một chữ “tình”
Luật sư Vũ Thị Nga - người được gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn nhờ tư vấn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động bồi thường của Nhà nước chia sẻ: “Việc tạm ứng sẽ tùy thuộc vào từng cơ quan. Người ta có thể bồi thường luôn hoặc tạm ứng. Có thể có nhiều trường hợp vì hơi lâu nên người ta tạm ứng một khoản để người bị oan sai yên tâm rằng việc của họ đang được xem xét giải quyết tất cả các chứng cứ để cụ thể biết là bồi thường bao nhiêu tiền. Có những trường hợp cơ quan làm sai sẽ để xem xét bồi thường trong một lần. Nói chung, việc này tùy thuộc vào cơ quan áp dụng”.
Theo Luật sư Nga, trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, để được tạm ứng, ông Chấn phải đến nơi đã xử oan sai mình yêu cầu tạm ứng để giải quyết khó khăn trước mắt.
TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND Tối cao
“Ông Chấn có thể làm đơn đề nghị việc đó. Nếu chưa xong việc bồi thường thì có thể tạm ứng. Nếu họ không giải quyết thì có thể khởi kiện ra tòa. Người bị oan sai cần đưa ra các số liệu cụ thể về số tiền chi cho việc chữa trị, các phí tổn trong quá trình tìm lại công lý. Theo luật thì chỉ có bồi thường chứ không có tạm ứng. Điều này tùy vào sự linh hoạt của mỗi đơn vị, quan trọng là việc linh hoạt này không trái các quy định pháp luật hiện hành”, Luật sư Nga nói.
Cùng bàn về vấn đề này, TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết: Về cơ bản, căn cứ để tính mức bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn hiện nay là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, Nghị định số 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư.
Theo đó, những nội dung ông Chấn có thể được xem xét bồi thường, gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại do tổn thất về tinh thần; thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe; tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu... Khi nào hai bên thỏa thuận xong, có văn bản lên, VKSND Tối cao sẽ trình bộ Tài chính, cấp tiền về và thực hiện chi trả. Luật không quy định về việc tạm ứng tiền bồi thường.
“Tôi đánh giá cao động thái nhanh chóng của các cơ quan tố tụng tại Sóc Trăng. Nếu ngân sách cơ quan không có Viện Kiểm sát có thể vay ở các cơ quan khác để tạm ứng. Việc tạm ứng tiền bồi thường không chỉ góp phần chia sẻ khó khăn với người bị hàm oan mà còn thể hiện trách nhiệm của người làm sai với những nạn nhân.
Trong luật cũng cần có cái tình. Vẫn biết, không bao giờ có thể “bồi thường” được hết những gì mà ông Chấn và người thân phải gánh chịu. Nhưng việc sớm xác định, thực hiện bồi thường oan sai theo các quy định của pháp luật trong vụ án này sẽ phần nào bù đắp, xoa dịu bớt nỗi đau cho người dân. Nếu pháp luật quy định thêm về điều này tôi nghĩ cũng rất tốt”, TS Dương Thanh Biểu nói.
Thảo Phượng