(GDVN) - Thách thức đối với Malaysia là thuyết phục Bắc Kinh rằng chính họ mới cần đi bước đầu tiên để "sửa chữa" mối quan hệ với các nước láng giềng ASEAN.
Thủ tướng Malaysia và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 1/6 đưa tin, Trung Quốc và Malaysia hôm qua đã thể hiện một "mặt trận thống nhất" khi họ đánh dấu kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong lúc căng thẳng đang leo thang giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng ở Biển Đông.
Thông cáo chung phát hành bởi 2 nước sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết 2 nước cam kết tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Liên quan đến Biển Đông, các tài liệu cho thấy cả Malaysia và Trung Quốc công nhận rằng "sự can thiệp hoặc tham gia của các bên không liên quan trực tiếp có thể phản tác dụng và làm tăng các vấn đề phức tạp"?!
Malaysia và Trung Quốc kêu gọi "các bên yêu sách chủ quyền trực tiếp ở Biển Đông cần thực hiện tự kiềm chế (?!) và giải quyết sự khác biệt bằng biện pháp hòa bình", 2 nước này sẽ nỗ lực để hoàn thiện bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia diễn ra đúng thời điểm căng thẳng bùng lên giữa Trung Quốc và Việt Nam trong vụ giàn khoan 981, Bưu điện Hoa Nam lưu ý.
Trong cuộc hội đàm với ông Najib hôm Thứ Sáu, Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc nói rằng họ sẽ không gây rắc rối ở Biển Đông, nhưng sẽ "phản ứng theo cách cần thiết với những hành động khiêu khích của các nước liên quan"?!
Tang Siew Mun từ Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Malaysia cho biết, Bắc Kinh và Kuala Lumpur muốn căng thẳng Trung - Việt trên Biển Đông giảm bớt. Bắc Kinh không muốn quan hệ với 10 nước ASEAN bị ảnh hưởng bởi vấn đề với Việt Nam trong khi Malaysia không muốn lặp lại sai lầm đáng xấu hổ khi đảm nhận ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm tới.
Thách thức đối với Malaysia là thuyết phục Bắc Kinh rằng chính họ mới cần đi bước đầu tiên để "sửa chữa" mối quan hệ với các nước láng giềng ASEAN.
Nói cách khác, nếu Trung Quốc "chuộng hòa bình, yêu ổn định" như ông Tập Cận Bình nói, hãy rút giàn khoan 981 khỏi vùng biển Việt Nam một cách vô điều kiện, ngồi vào bàn đàm phán ký kết COC và không có những hành động gây hấn trên biển, chia rẽ ASEAN như vừa qua - PV.