(Petrotimes) - Trong mấy ngày qua, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc liên tục thách thức Trung Quốc khi cho máy bay xâm nhập vùng phòng không mới mà Bắc Kinh vừa đề ra trên biển Hoa Đông. Sự phản ứng yếu ớt của chính quyền Bắc Kinh gây ra nhiều lời chế giễu. Liệu Trung Quốc có để bị “mất mặt” trong vụ này?
>> Nhật, Hàn bất chấp quy định của Trung Quốc về không phận mới
>> Trung Quốc bất lực trước đòn thách thức của Mỹ
>> Sai lầm chiến lược của Trung Quốc
>> Máy bay ném bom B-52 của Mỹ vào “không phận” của Trung Quốc
Tiêm kích J-10 của Trung Quốc cất cánh từ căn cứ không quân ở ngoại ô Thiên Tân trong nhiệm vụ tuần tiễu vùng phòng không mới ngày 28/11
Trung Quốc thiết lập khu vực nhận dạng phòng không xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) kéo theo những phản ứng có thể dự đoán từ phía Mỹ. Hai máy bay ném bom chiến lược B-52 đã thực hiện chuyến bay biểu dương lực lượng qua khu vực này. Tokyo và Seoul cũng cho biết họ thực hiện các chuyến bay quân sự trong khu vực mà không thông báo cho phía Trung Quốc.
Phản ứng đầu tiên của Bắc Kinh đối với phía Mỹ chỉ giới hạn trong tuyên bố rằng hệ thống phòng không của Trung Quốc đã theo dõi chuyến bay của Mỹ và nếu cần thiết, có thể thực hiện những động thái đảm bảo kiểm soát không phận. Sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo rằng hôm 28/11 đã phái mấy chiếc Su-30 và J-11 bay tuần tra khu vực.
Sự phản ứng yếu ớt của Bắc Kinh đã khiến chính cư dân mạng ở Trung Quốc lên tiếng chế giễu. Trên tài khoản Vi Bác (Sina Weibo) của mình, một người đã không ngần ngại đả kích thái độ thụ động của quân đội Trung Quốc, ngồi yên nhìn B-52 Mỹ bay qua khu vực mà Bắc Kinh đòi phải xin phép trước, và sau đó lại biện bạch là đã giám sát kỹ hành động của đối phương: “Cứ tựa như là một người nào đó tát bạn rồi sau đó bạn nói: ‘Tôi biết là anh tát tôi, tôi đã nhìn thấy tất cả mọi điều’”.
Một cư dân mạng khác đã khoét sâu vào khía cạnh thông báo về vụ B-52 thâm nhập vùng phòng không lại được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra sau khi Lầu Năm Góc ra thông báo: “Giá mà Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu đi một vòng trong không phận Mỹ, có lẽ thông tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc sẽ nhanh hơn”.
Cũng trong chiều hướng mỉa mai, một người dùng mạng internet ở Trung Quốc khẳng định: “Chắc hẳn là vùng nhận dạng phòng không do các đạo diễn phim chiến tranh Trung Quốc điều hành”. Nhận định này gợi đến các bộ phim mà Trung Quốc thực hiện về đề tài chiến tranh Trung-Nhật, trong đó “binh lính Trung Quốc chiến đấu chống lại máy bay Nhật Bản với súng và lựu đạn”.
Nhưng câu hỏi chính đặt ra hiện nay là: Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào với các hành vi vi phạm khu vực tiếp theo mà chắc chắn sẽ xảy ra?
Theo chuyên gia Vasily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga, rõ ràng, nếu Trung Quốc chỉ giới hạn bằng các thông cáo chính trị và cảnh báo, thì chứng tỏ là họ không có khả năng củng cố các tuyên bố về lãnh thổ. Như vậy, toàn bộ việc thành lập vùng nhận dạng phòng không sẽ là một đòn đánh mạnh vào uy tín của Trung Quốc, và không chỉ lợi ích chính sách đối ngoại của đất nước, mà uy tín của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong con mắt người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ai cũng thấy rằng cuộc đối đầu vũ trang với Nhật Bản chắc chắn sẽ dẫn đến đối đầu quân sự với Mỹ và hoàn toàn không phù hợp lợi ích của Trung Quốc. Lực lượng vũ trang Nhật Bản chỉ nhỏ thôi, nhưng về mặt thiết bị kỹ thuật và đào tạo nhân lực thì không ai sánh kịp. Ở biển Hoa Đông, phía Nhật Bản có lợi thế thực sự. Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn để thể hiện ưu thể quân sự nhằm xác nhận chủ quyền lãnh thổ. Hậu quả của một chiến dịch quân sự tham vọng lớn hơn sẽ không thể lường trước.
Có nhiều khả năng trong tình hình tiếp theo ở khu vực tranh chấp là Trung Quốc sẽ cho máy bay chiến đấu của mình cất cánh nhằm đánh chặn và áp giải máy bay quân sự nước ngoài bay qua vùng nhận dạng phòng không. Vũ khí sẽ không được áp dụng, nhưng có khả năng máy bay Trung Quốc sẽ thể hiện những thao tác nguy hiểm. Sớm hay muộn, những cuộc thao diễn như vậy có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn. Hiển nhiên, với bầu không khí căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật và Trung-Mỹ hiện nay, mỗi cuộc xung đột, đặc biệt là nếu kèm theo nạn nhân, chắc chắn sẽ gây ra khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng. Có lẽ, người ta cho rằng chính phủ Nhật Bản sớm hay muộn cảm sẽ thấy mệt mỏi trước sự căng thẳng liên tục và cuối cùng chấp nhận nhượng bộ trong tranh chấp lãnh thổ biển đảo, để cho Trung Quốc để thực hiện các bước giảm thiểu căng thẳng. Hành động của Trung Quốc chống lại Nhật Bản về toàn thể được dựa trên sự yếu kém của Chính phủ Nhật Bản và chính sách thay đổi thường xuyên khi các vị lãnh đạo thay thế nhau.
Theo chuyên gia Nga, hiện tại chúng ta chỉ có thể suy đoán về khả năng Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào xung quanh "cuộc chiến cân não" mới. Theo nhận xét của Vasily Kashin thì rõ ràng là Trung Quốc sẽ không mạo hiểm đưa ra dự án lập khu vực xác định phòng không, nếu họ không có kế hoạch chiến thắng trong cuộc chiến cân não này.
H.Phan (tổng hợp)