Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 29-11 đưa tin người phát ngôn không quân Trung Quốc thông báo hôm 28-11, các máy bay chiến đấu và một máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc đã tiến hành tuần tra trong vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.
Người phát ngôn cho rằng đây là một trong những biện pháp phòng vệ phù hợp với quy định quốc tế chung. Người phát ngôn cho biết không quân Trung Quốc đang trong tình trạng báo động và sẽ tiến hành các biện pháp để quản lý các đe dọa đường không.
Động thái đưa máy bay tuần tra trong vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc được tiến hành sau khi Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đưa máy bay quân sự bay vào khu vực này mà không báo kế hoạch bay cho phía Trung Quốc. Cùng ngày 29-11, Thời Báo Hoàn Cầu tiếp tục giọng điệu hiếu chiến trong bài bình luận kêu gọi chính phủ phản ứng không do dự với các vi phạm của Nhật đối với vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc. Báo cho rằng Nhật phải là mục tiêu chính trong vùng này và hô hào nếu Nhật đưa máy bay bay trong vùng này, Trung Quốc có quyền đưa máy bay nghênh chiến.
Tại Nhật, Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga tuyên bố không biết máy bay Trung Quốc có bay trong vùng nhận dạng phòng không hay không nhưng Nhật luôn duy trì tình trạng cảnh giác. Báo Yomiuri Shimbun (Nhật) đưa tin Mỹ và Nhật dự tính sẽ củng cố hợp tác quân sự trong khu vực để bảo đảm các máy bay trinh sát E-2C của Nhật thường xuyên có mặt tại Okinawa và máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ phải hoạt động thường xuyên ở Nhật. Tại Hàn Quốc, hãng tin Yonhap cho biết các bộ có liên quan đã nhất trí có ba hoặc bốn phương án mở rộng vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc. Động thái này được tiến hành sau khi Trung Quốc tuyên bố không điều chỉnh vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc có chồng lấn trên đảo chìm Ieodo của Hàn Quốc.
Ngày 29-11, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng về vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc. Cao ủy đối ngoại EU Catherine Ashton tuyên bố EU lo ngại việc thành lập vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc góp phần nung nóng căng thẳng khu vực.
Theo Reuters, các chuyên gia nhận định Trung Quốc đang vấp phải khó khăn về kỹ thuật khi thiết lập vùng nhận dạng phòng không rộng lớn. Trung Quốc chưa có bộ máy giám sát đủ sức kiểm soát khu vực này. Các nhà phân tích ở Tokyo nhận định Trung Quốc không vội vã tổ chức đương đầu mà đang tìm cách từng bước thể hiện sự hiện diện quân sự trong vùng nhận dạng phòng không vừa đơn phương thiết lập và hằng ngày quấy rối các nước lân cận như đã từng làm trong vấn đề tranh chấp trên biển.
HOÀNG DUY