(PetroTimes) - Hẳn nhiều người còn nhớ buổi gặp mặt giữa ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng với gần 200 thiếu nhi chậm tiến của thành phố vào tháng 7/2012. Buổi gặp ấy ông Thanh đã dành hơn 3 giờ để khuyên răn các em. Ông không lấy vai trò của người đứng đầu thành phố để răn đe, mà ông nói chuyện với các em tư cách của một người lớn, của bậc cha chú.
Năng lượng Mới số 382
Bài 2: “Nhà giáo dục” tâm huyết
Chẳng phải từ việc trên mà người dân Đà Nẵng gọi ông là “Nhà giáo dục”. Họ gọi ông là “Nhà giáo dục” bởi nhiều việc làm mang ý nghĩa giáo dục trong xã hội. Chẳng hạn việc ông trực tiếp đối thoại với những ông “cò quăm” hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với vợ. Rồi ông lại có cuộc nói chuyện với những phụ nữ trong thành phố. Chuyện với bà bán ốc, anh xe ôm, chuyện với những người vừa mãn hạn tù… Tất cả các cuộc gặp ấy, người đứng đầu thành phố đều mong mỏi mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội sống tốt đẹp hơn, trở thành người có ích.
Ông Nguyễn Bá Thanh nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng động viên các em thiếu niên chậm tiến cố gắng phấn đấu để tiến bộ
Có một người mãn hạn tù kể với tôi rằng, sau khi ra tù anh và nhiều người cùng cảnh ngộ được đích thân ông Nguyễn Bá Thanh gặp. Ông nói với mọi người rằng, trước đây các anh mất quyền công dân vì các anh gây án phải đi cải tạo, giờ đã hoàn lương trở về địa phương phải lấy đó làm bài học để răn bản thân. Xin nhớ là cửa nhà tù lúc nào cũng rộng mở để “đón” những người tái phạm, vì vậy đừng dại dột quay lại đấy lần nữa.
Ông hỏi, về với đời thường có khó khăn gì không? Các anh cứ trình bày, đừng e ngại. Nhiều người đã nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, nhiều người mặc cảm với tội lỗi đã gây ra. Có người đã mạnh dạn thưa rằng, nhà tui nghèo lắm, tui vô tù đến mấy lần cũng vì tội ăn cắp vặt, giờ ra tù không có vốn, không có nghề cũng dễ tái phạm lắm. Ông Thanh không bất ngờ, ông gật đầu tỏ vẻ thấu hiểu và thông cảm rồi hỏi lại: “Ngay bây giờ thành phố cho các anh vay vốn, các anh có cam kết làm ăn lương thiện và hoàn trả vốn đúng kỳ hạn không?”. Mọi người đều xuýt xoa, được vậy thì quý hóa quá. Vậy là “Quỹ hoàn lương” ra đời. Và nhiều người đổi đời từ quỹ ấy.
Với sự nghiệp “trồng người”, “Nhà giáo dục” Nguyễn Bá Thanh luôn đau đáu về chất lượng giáo dục đào tạo, về môi trường sư phạm của từng mái trường. Ông đã từng yêu cầu trích ngân sách thành phố hàng mấy chục tỉ đồng chỉ để cải tạo, xây nhà vệ sinh cho các trường, với một yêu cầu phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thiếu người dọn vệ sinh thì thuê thêm, trường nào để nhà vệ sinh mà mất vệ sinh thì chính hiệu trưởng phải chịu kỷ luật. Ông nhấn mạnh, môi trường học đường mất vệ sinh, hôi rình thì dạy chất lượng sao được.
Thầy trò Đà Nẵng chắc hẳn không bao giờ quên được buổi dự giờ bất ngờ của ông. Kiểu dự giờ rất lạ, ông đột ngột xuống một trường THPT vào loại có tiếng của thành phố, yêu cầu hiệu trưởng đưa ngay ông xuống một lớp đang có giờ dạy môn Văn. Ông dặn, tuyệt nhiên không được thông báo cho giáo viên và học sinh, ông cũng yêu cầu không làm các thủ tục giới thiệu rườm rà, không xếp ghế ngồi riêng, hiệu trưởng chỉ đưa ông xuống gần đến lớp rồi về làm việc, mọi việc còn lại để ông lo. Chỉ mấy phút quan sát ông phát hiện nhiều vấn đề, ông nghiêm khắc phê bình nhà trường về công tác giảng dạy.
Ông bảo, dạy Văn là dạy làm người, vậy mà trong giờ dạy Văn cô giáo cứ mải mê thao thao giảng, còn học sinh có nghe, có ghi chép hay không cũng không biết, ông chỉ ra trong lớp bao nhiêu học sinh chép bài, bao nhiêu học sinh không mang sách, bao nhiêu học sinh nói chuyện không nghe giảng… Học sinh hư từ những giờ giảng kém chất lượng như vậy.
Đối với vấn đề thu hút nhân tài, tránh chảy máu chất xám, ông Bá Thanh cũng là người “cao tay ấn”. Chủ động đặt nền móng xây dựng từ gốc, Đà Nẵng đã chi hàng trăm tỉ để xây dựng Trường trung học chuyên Lê Quý Đôn. Tất cả học sinh theo học ở đây đều phải trải qua cuộc thi tuyển đầu vào gắt gao, không có chuyện nhờ vả, chạy vạy hay xin xỏ. Khi ra trường em nào xuất sắc sẽ được cho đi đào tạo ở nước ngoài, em nào giỏi thì học các trường đại học trong nước và tất cả đều được thành phố tài trợ kinh phí ăn học, sau khi ra trường được bố trí công việc phù hợp và phải cống hiến cho thành phố ít nhất là 7 năm.
Ông Thanh giải thích là trong thời gian làm việc tại Đà Nẵng họ đã gắn bó với Đà Nẵng, gắn bó với công việc và đặc biệt là họ sẽ xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái. Đó chính là cách giữ người tài ở lại với Đà Nẵng, đấy cũng là nguyên nhân tại sao Đà Nẵng ít bị chảy máu chất xám như một số địa phương khác.
Cầu thị và không ngừng đổi mới, đấy là bản chất Nguyễn Bá Thanh. Ông thường nhắc nhở cán bộ cấp dưới “Không thầy đố mày làm nên”, chỉ tự ý làm, cắm đầu làm mà không tranh thủ ý kiến các chuyên gia thì đến lúc nào đó là hỏng. Chính vì vậy ông chỉ đạo các cấp, các ngành trong thành phố phải tôn trọng ý kiến của các chuyên gia và các nhà chuyên môn. Đã có nhiều chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, quy hoạch… đến với Đà Nẵng, đã có nhiều cuộc hội thảo mở ra cho Đà Nẵng nhiều hướng đi mới.
Mới đây nhất, các chuyên gia đến dự hội thảo bàn về “Ý tưởng xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố ngang tầm với các thành phố hiện đại châu Á và thế giới”. Tại cuộc hội thảo Đà Nẵng đã nhận được những góp ý rất chân tình, thiết thực và quý báu từ các chuyên gia để biến Đà Nẵng thành một thành phố văn minh và hiện đại trong khu vực.
(Xem tiếp kỳ sau)
Đặng Trung Hội