(Quan hệ quốc tế) - Sau khi Tổng thống Pháp có cuộc gặp với Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức đã lập tức có những cáo buộc trái chiều
- Lộ súng bắn tỉa xuyên giáp của quân ly khai Ukraine
- Thân phận Ukraine khi tổng thống Pháp bất ngờ gặp riêng Putin
Cáo buộc của bà Merkel
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Die Welt am Sonntag về những vấn đề hợp tác giữa Nga và EU xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Bà Merkel đã cáo buộc Nga muốn nhúng tay vào nội bộ của nhiều nước Đông Âu muốn thân thiết với EU.
"Moldova, Georgia, Ukraine là ba nước láng giềng phía Đông của chúng tôi, và họ đã có những thỏa thuận liên kết với EU. Tuy nhiên Nga đã luôn tạo ra những rắc rối để ngăn cản điều này." - Bà Merkel nói.
Để minh chứng cho lời nói của mình, Thủ tướng Đức dẫn ra các bằng chứng: "Các xung đột ở khu vực ly khai như Transdnielstria, Abkhazia, Nam Ossetia là ví dụ điển hình cho chiến lược của Moscow. Và chiến lược đó đang được lặp lại ở miền Đông Ukraine."
Thủ tướng Đức Merkel còn cáo buộc một phương pháp khác để can dự vào vấn đề nội bộ các nước thuộc Liên Xô cũ của Moscow, đó là làm cho các nước Balkan phải lệ thuộc về kinh tế với nước Nga.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga V.Putin |
Bà Merkel khẳng định những sách lược mà EU đang triển khai, bao gồm cả các hành động trừng phạt nước Nga về kinh tế là những phản ứng đúng đắn của EU.
Những cáo buộc của bà Merkel được phát đi trong bối cảnh mới cuối tháng 11/2014, Nga và Đức đã có những cuộc đối thoại thẳng thắn về những giải pháp cho Ukraine. Và Ngoại trưởng Đức đã vui vẻ tin rằng họ sắp đạt được những thỏa thuận quan trọng để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, Nga đã tiến thêm những bước tiến địa chính trị đầy khiêu khích với EU khi ký thỏa thuận "đối tác chiến lược" với Abkhazia - khu vực ly khai của Gruzia, gây nên làn sóng phản đối dữ dội từ EU và NATO.
EU vẫn vừa đấm vừa xoa
Trong khi Thủ tướng Đức đưa ra những cáo buộc rất thẳng thắn với nước Nga, thì trước đó, một thành viên khác của EU là nước Pháp đã có cuộc gặp với ông Putin một cách bất ngờ và được cho là ... cởi mở đầy thiện chí.
Ngày 6/12/2014, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Moscow, khi vị lãnh đạo Pháp này dừng chân bất ngờ ở thủ đô nước Nga.
Ông Hollande đã nói với Tổng thống Putin trước khi hai nhà lãnh đạo tiếp tục cuộc thảo luận kín rằng: “Có những thời điểm chúng ta cần phải nắm bắt những cơ hội. Đây là một thời điểm như vậy.”
Trong khi đó, ông Putin cũng đã tỏ ra đồng tình khi cho rằng hiện đang có “những vấn đề khó khăn” nhưng bày tỏ rằng “chuyến thăm và làm việc ngắn (của nhà lãnh đạo Pháp) có thể góp phần tạo ra một giải pháp cho nhiều vấn đề.”
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Hollande |
Hiện tại Pháp và Nga đang vướng mắc ở thương vụ Mistral, khi Paris kiên quyết không bàn giao tàu chiến này cho phía Moscow. Việc này đặt Pháp đứng trước khả năng bị Nga kiện và đối diện với rất nhiều điều khoản bồi thường khiến Pháp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Có thể mục đích chuyến thăm của ông Hollande với ông Putin nhằm giải quyết, bàn bạc về vấn đề Mistral. Nhưng còn một vấn đề khác cần chú ý: Pháp đang là thành viên NATO cũng như EU, và hôm 25/11, chính ông Hollande là người đã khẳng định Pháp sẽ cứng rắn với Nga trong vấn đề Ukraine.
Trong khi Pháp kiên quyết với Nga thì Ngoại trưởng Đức đã tới Moscow để... cởi mở. Hiện tại, khi Pháp tới Nga để "nắm bắt những cơ hội" thì ngược lại, Thủ tướng Đức đang tuyên bố đầy cứng rắn.
Xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine, dù phe ly khai và Kiev đã có thỏa thuận về một hiệp định ngừng bắn chính thức vào ngày 9/12/2014, tuy nhiên, Kiev vẫn đang tiếp tục có những động thái tăng cường quân lực.
Ngày 6/12, tại thị trấn Chuguev gần Kharkov - nơi đang bị các lực lượng ly khai gia tăng ảnh hưởng, lữ đoàn số 92 của quân đội Kiev đã được trang bị thêm 100 đơn vị vũ khí hạng nặng, gồm nhiều xe tăng, trực thăng.
Đỗ Phong (Tổng hợp VN+, NLĐ)