Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình.
Hãng tin Reuters cho biết, phát biểu trên được ông Trình đưa ra trước báo giới bên lề một diễn đàn tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 7/5 ở Hà Nội, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho hay, cùng với việc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc đã đưa đến hiện trường 80 tàu tham gia bảo vệ, phục vụ cho giàn khoan này, trong đó có 7 tàu quân sự cùng nhiều tàu hải giám, hải cảnh, tàu cá…
Khi các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn thì tàu bảo vệ của Trung Quốc - với sự hỗ trợ của máy bay tầm thấp - đã chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng vòi rồng, súng bắn nước làm hư hỏng, gây thương tích cho các thuyền viên.
Hành động trên của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ của Việt Nam và cả dư luận quốc tế.
Giới quan sát cho rằng, đây là một hành động nguy hiểm, mang động cơ chính trị, và không có lợi cho hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tại cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì chiều 6/5 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nêu rõ, việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam.
Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.