Bà Bùi Thị Hạnh chạy ra ôm chầm lấy con gái khóc nói: “Cha đã mất một tháng rồi con ơi, giờ chỉ có mẹ và anh, chị ra đón con thôi. Lúc cha ra đi cứ nhắc mãi tên con. Cả nhà tưởng con không còn nữa, thời gian qua vẫn thắp hương cho con đó…”. Chị Hoa nói tiếng Việt giọng lơ lớ: “Con bị chồng cũ lừa bán ra nước ngoài 19 năm nay, mẹ ơi. Con nhớ nhà, nhớ gia đình, mẹ cha lắm nhưng ở vùng sâu, vùng xa con không biết đường về”.
Chồng đánh thuốc mê bán vợ ra nước ngoài
Về đến nhà, chị Hoa vào thắp nén hương lên bàn thờ người cha - ông Trần Hữu Ngọc, rồi khóc: “Sao cha không ráng chờ con về, cha ơi. Không phải con bỏ nhà, bỏ chồng đi mà con bị bán, cha ơi. Cảnh nhà đổi thay nhiều quá, mẹ già và khắc khổ đi nhiều”.
Hay tin “con Hoa” mất tích bỗng dưng về nhà, nhiều người dân đội rét căm căm đến nhà bà Hạnh chúc mừng mẹ con đoàn tụ sau 19 năm. Chị Hoa vẫn nhớ tên từng người trong làng nhưng trẻ em và thanh niên thì “chị không biết đứa nào, con nhà nào đâu vì đã 19 năm rồi”.
Hoa là con thứ tư trong gia đình có năm anh em. Hoa là học sinh khá trong trường nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên học đến lớp 4, Hoa phải nghỉ ở nhà làm ruộng.
Chị Trần Thị Hoa (trái) ôm chầm lấy mẹ (giữa) và chị khóc nức nở sau 19 năm xa cách. Ảnh: Đ.LAM
Năm 19 tuổi, Hoa theo anh chị vào Bình Thuận đi làm thuê. Tại đây, Hoa gặp anh Bình (quê xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An) - đang đánh cá thuê ở Bình Thuận. Sau một thời gian yêu nhau, năm 1993 chị Hoa và anh Bình tổ chức đám cưới.
Chị Hoa kể: “Cuộc sống khó khăn, tôi và Bình thường mâu thuẫn nhau, nhiều lần anh ấy đánh tôi. Cưới nhau mới được bốn tháng thì Bình cho rằng vì cưới tôi mà tốn kém mất một dây chuyền vàng. Nhiều lần Bình hăm “sẽ cho mày biết mặt”. Tháng 9-1994, sau bữa cơm chiều tôi bị đánh thuốc, mê man không biết gì. Đến khi tỉnh dậy tôi mới biết mình đã bị Bình bán sang Trung Quốc. Cùng bị bán với tôi là bốn cô gái Việt Nam khác. Chúng tôi bị bắt chui qua cống, dây kẽm gai ở vùng biên rồi họ đưa chúng tôi vào sâu trong Trung Quốc. Tôi bị một người đàn ông Trung Quốc già lụ khụ mua về làm vợ. Sau một thời gian sống trong cảnh tủi nhục, tôi quyết tâm trốn để tìm đường về nhà. Trên đường trốn tôi lại rơi vào tay một người đàn ông khác nhà ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc). Tôi lại nhiều lần muốn trốn, tìm đường trở về quê nhà nhưng do ở vùng sâu, lại bị giám sát chặt nên tôi không biết đường nào để đi. Rồi tôi phải sinh con, chấp nhận làm vợ người ta nơi xứ người, khổ cực lắm. Nay chúng tôi đã có bốn người con”.
Bà Hạnh khóc, nói: “Vậy mà thời gian qua thằng Bình đổ lỗi là: “Con Hoa bỏ đi mất tích”. Cha mẹ bị mang tiếng không giáo dục được con. Thằng Bình vẫn sống ở xã Diễn Bích, đã lấy vợ khác, có hai con rồi”.
Nạn nhân giúp nhau đoàn tụ
Sau khi hay tin chị Hoa bỗng dưng mất tích, vợ chồng ông Ngọc, bà Hạnh cùng các con đi tìm chị Hoa.
Ngày ấy, điện thoại chưa có, ông Ngọc, bà Hạnh viết thư dò hỏi bạn của Hoa nhưng đều vô vọng. Rồi các anh chị Hoa nghi ngờ chị Hoa đi vào miền Nam làm công nhân. Họ lại khăn gói vào miền Nam tìm kiếm. Sau đó nghe đồn chị Hoa sang Campuchia, các anh lại lặn lội lần theo các manh mối đi tìm nhưng đều trở về không có kết quả.
Hằng năm cứ tết đến, xuân về, bạn bè, thanh niên cùng lứa chị Hoa ở trong xã đi làm từ miền Nam trở về nhà ăn tết, ông Ngọc, bà Hạnh lại ra đầu ngõ mong ngóng con trở về.
“Nhưng mãi không thấy tăm tích nó đâu, tôi khóc hết nước mắt. Rồi chúng tôi nhận được tin con Hoa đã bị giết chết. Chúng tôi cũng có khi tin là Hoa đã chết bởi nếu còn sống nó phải tìm cách liên lạc với gia đình chứ. Gia đình muốn cúng giỗ cho con Hoa nhưng không biết cúng vào ngày, tháng nào”.
Ở vùng sâu tỉnh Quảng Tây, chị Hoa phải chấp nhận cuộc sống khổ cực, tù túng và trào nước mắt khi nhớ về quê nhà, người thân.
Gần đây, trong lần đi ra khỏi nhà, chị Hoa gặp được một cô gái biết nói tiếng Việt, tên Điệp. Qua thăm hỏi, chị Hoa và chị Điệp (quê ở Hải Dương) mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc. Chị Điệp cũng bị bán sang Trung Quốc từ năm 2001 và cũng vừa liên lạc được với người thân ở Việt Nam.
Chị Điệp hỏi chị Hoa có nhớ tên cha, mẹ quê ở đâu không. Chị Hoa nói nhớ rõ và miêu tả được cả khung cảnh nhà, con đường dẫn vào làng cách đây 19 năm. Ngay sau đó, chị Điệp điện thoại về quê nhờ người em trai tên Hùng ở Hải Dương vào Nghệ An tìm gấp cha mẹ cho chị Hoa.
Hoa lạc sang xứ người đã 19 năm nhưng may mà còn nói được tiếng Việt mình. Tuy tiếng được tiếng mất nhưng cũng đủ để nhận ra nhau và hiểu nhau. Chị TRẦN THỊ HƯƠNG, chị của chị Hoa |
Bà Hạnh kể lại: “Khi đó tôi đang làm việc ngoài vườn, có một người nói giọng Bắc vào hỏi phải nhà ông Ngọc, bà Hạnh không. Sau đó chú ấy giới thiệu là tên Hùng, ở Hải Dương vào tìm gia đình cha mẹ cho một cô gái tên Hoa bị thất lạc nhiều năm, hiện đang sinh sống ở bên Trung Quốc. Qua các thông tin mà anh Hùng cung cấp và mô tả thì tôi chắc chắn đúng là con Hoa, con gái thứ tư của vợ chồng tôi rồi. Nghe đến đây, tôi chẳng nói được lời nào, không dám tin vào sự thật. Anh Hùng bật máy điện thoại để tôi được nói chuyện với con gái. Qua những câu chuyện trước đây chỉ trong gia đình mới biết, mẹ con chúng tôi đã nhận được nhau. Hai mẹ con cứ khóc trong điện thoại”.
Từ ngày nhận được tin em gái còn sống, chị Trần Thị Hương cũng thường xuyên chạy qua nhà mẹ chờ tin em.
Lúc chị Hoa trở về, hai chị em ôm nhau khóc miết rồi họ nhắc lại chuyện ngày xưa chăn trâu, cắt cỏ…
Việc chị Hoa liên lạc về với gia đình ở Việt Nam cũng được bên chồng ủng hộ. Họ đã tạo điều kiện để chị Hoa được về thăm quê, đón tết 2014 sau chuỗi ngày dài đằng đẵng mất liên lạc với gia đình.
ĐẮC LAM