(PetroTimes) - Táo Quân 2015 liên tiếp bị nhiều khán giả chê nhạt vì quá… “hiền”. Những vấn đề nổi bật của xã hội trong năm qua đã không được phản ánh một cánh sâu cay, kịch liệt mà chỉ như “điểm tin”!
Một cảnh trong chương trình Táo quân 2015.
Nhiều người đã rất mong chờ để xem chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân 2015 bởi theo thông báo của ban tổ chức thì chương trình năm nay có rất nhiều đổi mới. Cụ thể, có 2 đổi mới rõ ràng nhất đó chính là việc phân Táo và hình thức báo cáo chuyện hạ giới của các Táo với Ngọc Hoàng.
Nếu như theo mọi năm, Táo được phân chia thao ngành nghề như Táo Giao thông, Táo Điện lực, Táo Y tế… thì năm nay Táo được phân theo ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Cũng theo nhữn năm trước, các Táo lần lượt báo cáo vấn đề của ngành mình phụ trách thì năm nay họ được cho chơi trò chơi mang tên “Ai là trợ lý” nhằm tìm kiếm người trợ lý tài giỏi cho Ngọc Hoàng.
Ngoài ra, Táo Quân năm nay còn xuất hiện hai danh hài phía Nam là Việt Hương, Chí Tài - điều chưa từng có trong lịch sử Táo Quân.
Đầu tiên, phải thừa nhận rằng những nỗ lực đổi mới là một điều đáng ghi nhận để tạo ra những điều tươi mới cho Táo Quân 2015 vốn bị chê là đang đi theo lối mòn, nhàm chán. Tuy nhiên, những điểm mới này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến chương trình được chờ đợi nhất trong tối 30 Tết năm nay bị khán giả chê là nhạt và nhảm vì thiếu hẳn những tình huống, chi tiết và lời thoại đắt.
Nếu làm một phép so sánh với Táo quân 2014, vốn cũng từng bị chê là sống sượng, nhạt nhòa thì rõ ràng nó vẫn hấp dẫn hơn so với chương trình năm nay. Các chi tiết phản ánh trong Táo 2014 như vụ bảo mẫu hành hạ trẻ bằng cách dọa nhúng đầu Ngọc Hoàng vào thùng nước hay chi tiết Táo Y tế trên “chiếc cân y đức” và hay nhất có lẽ là chi tiết Táo Y tế bị treo lên không trung để hiểu cảm giác của người dân van xin cứu mạng mình… Những tình tiết đó đã làm nức lòng người xem vì những bức xúc của họ như được giải tỏa!
Cảnh trong Táo quân 2014
Táo quân 2015 đã làm người xem thất vọng bởi tính phản biện xã hội quá nhạt nhòa, trong khi đó vốn là “đặc sản”, là sức sống cốt lõi của chương trình. Lâu nay, bên cạnh yếu tố hài thì Táo quân được khán giả yêu mến bởi vì nó sân khấu hóa những vấn đề xã hội nóng trong năm qua thủ pháp trào phúng, châm biếm sâu cay.
Trong năm qua, hàng loạt những tiêu cực xảy ra trong các lĩnh vực, chẳng hạn như ở lĩnh vực Y tế với hàng loạt vụ bê bối, trong đó có bê bối thuộc hàng “kinh điển” chính là vụ tiêm nhằm vắc xin cho 31 thai phụ. Thế nhưng, tất cả những vấn đề nóng chỉ được Táo quân 2015 điểm sơ qua hoặc tệ hơn là bị bỏ sót.
Để lý giải về điều này, nhiều ý kiến cho rằng đó là do chương trình đã ngày càng ngại “đụng chạm”?! Hay nói thẳng ra, có thể là lãnh đạo ngành nọ, ngành kia đã “nhắc khéo” với chương trình trước để những tiêu cực của ngành mình không bị mang ra bêu rếu, châm biếm.
Thêm một lý do khiến sự phản ánh vấn các đề xã hội của Táo quân năm nay trở nên nhạt nhòa là vì các Táo không phân theo ngành cụ thể mà chung chung theo ngũ hành. Cách trình bày vấn đề của các Táo qua cuộc thi “Ai là trợ lý” những tưởng sẽ mang đến sự hấp dẫn thì cuối cùng tất cả đã phản tác dụng! Không có vấn đề nào được đưa lên thành tâm điểm để khai thác một cách triệt để mà chỉ phản ánh bao quát trong chương trình.
Đó là chưa kể đến việc vấn đề của Táo nọ thì lại do Táo kia trình bày, như Táo Thủy phụ trách liên quan đến nước lại đi nói về vấn đề nợ công trong khi Táo Mộc phụ trách nông nghiệp lại trả lời vấn đề… giao thông; Táo Kim gần như không lên tiếng về điều gì còn Táo Hỏa thì lại nói chuyện hành chính...(?!).
Các Táo chơi trò "Ai là trợ lý"
Và, thay vì nhắm vào trọng tâm là phản ánh những tiêu cực xã hội thì điều gây nhạt và lố cho Táo quân năm nay còn là việc lạm dụng ngôn từ, câu chuyện trên Facebook để đưa lên sân khấu. Như các câu: “chuẩn cơm mẹ nấu”, “các mẹ ơi yên tâm đi”, “hoi đi” (tức “thôi đi”)…
Táo quân là chương trình mang tính đại chúng, nhưng xét về kịch bản, nội dung thì rõ ràng là chủ yếu dành cho đối tượng khán giả trưởng thành, nhất là người lớn tuổi. Nếu chú ý quan sát ở hàng ghế khán giả của Táo quân thì sẽ nhìn thấy rõ điều đó. Chính vì vậy việc “teen hóa” Táo quân bằng sự lạm dụng những câu chuyện, ngôn từ của giới trẻ trên mạng xã hội là không phù hợp. Nó gây khó hiểu và có thể trở thành lố bịch với bộ phận khán giả chủ chốt.
Táo quân 2015 - chương trình được nhiều người trông chờ, kỳ vọng nhất ngày Tết đã khiến nhiều người thất vọng nhưng không những thế, hậu của chương trình lại càng làm khán giả thêm buồn lòng vì lối ứng không đẹp của anh “Nam Tào” Xuân Bắc. Cụ thể là khi chương trình bị chê, diễn viên hài này lập tức lên mạng “phản pháo” với giọng trách hờn, kiểu “chê hoài, năm sau sẽ không ai làm Táo quân cho mà xem nữa!”.
"Nam Tào" Xuân Bắc và "Ngọc Hoàng" Quốc Khánh
Khen chê với bất kỳ một chương trình nào cũng là tất yếu, khi khán giả còn quan tâm đến chương trình đó. Hơn nữa, những lời khen chê với Táo quân 2015 không xuất phát từ ác ý mà chính là tâm tư, cảm nhận của những người đang yêu mến, gắn bó với chương trình lâu nay.
Vì vậy có thể nói phản ứng của Xuân Bắc vừa qua là không cần thiết có.
Nhiều lời đồn rằng, 2016 sẽ không còn chương trình Táo quân trong tối 30 Tết nữa. Nếu sự thật như vậy thì sẽ là một điều đáng tiếc! Song, nếu chương trình không có những định hướng thay đổi tích cực, quyết liệt về mặt nội dung trong những năm về sau thì có lẽ sự tồn tại tiếp tục của Táo quân, nếu có, cũng sẽ không còn mang nhiều ý nghĩa nữa!
Trúc Vân (Tổng hợp)