Xếp hàng vào lớp chậm trừ 3 điểm, xếp hàng nhốn nháo trừ 5 điểm, đi học muộn trừ 1 điểm/HS, mất trật tự trừ 1 điểm/HS, đeo khăn quàng đỏ không đúng quy định trừ 0,5 điểm, lớp bẩn, còn rác trừ 2 điểm, xuống sân giữa giờ chậm trừ 5 điểm... Đó là barem điểm dài ngót nghét hai trang giấy A4 của những HS làm nhiệm vụ sao đỏ tại một số trường tiểu học, THCS ở TP.HCM với bảy mục cần theo dõi (nề nếp đầu giờ, giờ ra chơi, vệ sinh lớp, đồng phục...) và hàng chục thang điểm, từ 0,5 cho đến 10 để... trừ.
Quyền lực
Hối lộ sao đỏ Mới đây một phụ huynh ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) tìm đến trường để bắt đền cô giáo, chỉ vì chị phát hiện tiền ăn sáng, quà vặt cho con hằng ngày đều được con “cống nộp” cho các bạn sao đỏ để không bị ghi tên vào sổ. Đỉnh điểm là khi phụ huynh thấy con xin tới 60.000 đồng và gặng hỏi vì sao mới phát hiện ra sự việc. Những HS thường đi trễ, hay quên, hiếu động... tỏ ra rất sợ các bạn sao đỏ, vì chỉ một lỗi sai bị ghi sổ, lớp sẽ bị ảnh hưởng thi đua, giáo viên sẽ rầy rà, hạnh kiểm bị ảnh hưởng. |
Công việc của sao đỏ là theo dõi và chấm điểm nề nếp sinh hoạt của HS toàn trường, và những ghi nhận này là cơ sở để đánh giá thi đua của từng lớp.
Kết quả thi đua từng lớp sẽ là căn cứ xếp loại thi đua giáo viên chủ nhiệm lớp đó, ảnh hưởng trực tiếp đến lương, thưởng của giáo viên, khiến giáo viên vừa ngán sao đỏ vừa tìm cách dạy học trò của mình phải “cẩn thận” và đối phó với sao đỏ...
Giáo viên tiểu học một trường tại Gò Vấp, TP.HCM vừa bị lập biên bản vì tội xé sổ theo dõi của sao đỏ.
Nghe qua thì ngán ngẩm bởi cách hành xử xé sách xé vở trong môi trường giáo dục, nhưng câu chuyện mà cô giáo này giãi bày lại đáng suy ngẫm: “Tôi phát hiện ra sao đỏ trừ điểm sai cho lớp mình, tôi hỏi và em này cũng công nhận, vì vậy chúng tôi thống nhất sẽ xé một trang mà em chấm điểm sai để em viết lại, bởi bị trừ điểm sai, kết quả thi đua thấp kéo theo rất nhiều thứ.
Lớp tụt hạng, giáo viên bị khiển trách, mất thi đua đôi khi vì những thông tin không chính xác. Đáng buồn là hiệu trưởng nói trước toàn thể cán bộ rằng: sao đỏ ở trường học cũng giống như... công an trên đường phố, chống lại sao đỏ là chống người thi hành công vụ nên tôi bị xử lý.
Đáng nói là với sự tạo điều kiện của người lớn, chính các em sao đỏ cũng ảo tưởng về quyền lực của mình, tỏ ra uy quyền để các bạn phải khiếp sợ, thậm chí trở thành “công cụ” của người lớn, nghe lời giáo viên này để trừ điểm lớp của giáo viên kia”.
Áp lực
Còn bản thân các em sao đỏ thì sao? Những em được chọn vào đội sao đỏ hầu hết là HS các khối 4, 5, là HS gương mẫu, học giỏi của mỗi lớp. Các em luôn phải đi sớm, về trễ vì phải “theo dõi” tình hình các bạn.
Trong khi cả lớp ôn bài 15 phút đầu giờ thì sao đỏ vẫn phải đi lòng vòng các hành lang để kiểm tra xem có HS nào chưa vào lớp hay còn đi vệ sinh. Mỗi tuần một lần sao đỏ họp giao ban với tổng phụ trách để báo cáo tình hình kiểm tra và nắm hoạt động Đội tuần tiếp theo.
Một giáo viên tại quận 1 lắc đầu: “HS khối 4, 5 chương trình rất nặng, nhưng mỗi lần trực là vào lớp trễ, mất bài, đang học mà có việc thì phải đi họp. Trước đây sao đỏ là một hình thức tham gia phong trào nhằm giúp HS tự đánh giá nề nếp của mình, thì nay các em làm thay công việc của người lớn (giám thị hay bảo vệ trường học)”.
“Trẻ con hiếu thắng và thích bắt chước, những “quyền” mà các em có được vô hình trung tạo cho những đứa trẻ hồn nhiên ý thức sử dụng uy quyền của mình. Ngược lại các em cũng phải chịu áp lực nếu công việc của mình vô tình gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn học, của giáo viên. Trẻ con như tờ giấy trắng, vậy mà công việc sao đỏ hiện nay đang đánh mất sự vô tư trên ghế nhà trường của trẻ nhỏ”.
Không cần rèn những kỹ năng như thế Hôm đó đi học về con gái nói: “Mẹ à, thầy giám thị vào tận lớp con, nhìn vào chân con và thầy tuyên bố: Ô! Đây không phải là giày cao gót như các bạn báo cho thầy, không bị ghi tên gì cả”. Hóa ra chủ nhật tuần rồi hai mẹ con đi siêu thị, tôi mua cho cháu một đôi giày mang đi học do giày cũ đã hỏng khóa. Đôi giày mới cao độ một phân, đế bằng, có chất chống trơn, an toàn, lịch sự để cháu mang đi học. Chẳng biết có bạn trong lớp nhìn thế nào lại ra giày cao gót và đã “mật báo” thầy giám thị và kết quả là như cháu kể. Chúng ta đang làm gì với thế hệ trẻ trong nhà trường thế này? Ngay từ tiểu học, chúng ta đã trao cho một số trẻ chức danh lớp trưởng, bây giờ là chủ tịch hội đồng tự quản và việc duy nhất chúng ta giao cho những “cán bộ” có chức sắc trong lớp là thay thầy cô ghi tên những bạn nói chuyện. Lớn lên một chút, vào cấp THCS, THPT, lớp trưởng có quyền ghi và báo thầy cô tất tần tật những sai phạm của các bạn trong lớp: đi dép không có quai hậu, nam sinh bỏ áo ra ngoài quần, nữ sinh trang điểm, đi giày cao gót.... Có trường còn tạo ra một thứ văn hóa dò xét và rình rập lẫn nhau bằng các đội sao đỏ. Tôi thật sự đau lòng khi đã từng chứng kiến một đội sao đỏ khoảng năm học sinh lớp 5 của một trường tiểu học trong giờ sinh hoạt đầu tuần thay vì ngồi xuống cùng nghe, cùng chơi, cùng hát hò như các bạn, thì các bạn này đứng quay mặt về phía các bạn của mình: một tay cầm viết, một tay cầm sổ sẵn sàng ghi họ tên của bất kỳ bạn nào có những biểu hiện sai phạm. Nếu là bố mẹ của những HS này, tôi sẽ thật sự bức xúc, thay vì được tận hưởng sự hồn nhiên như các bạn, con tôi đã bị đánh cắp tuổi thơ của mình. Nhà trường đã trao cho cháu việc mà đáng ra nhà trường, đội ngũ giám thị phải làm. Thầy dạy tin học lớp con gái tôi còn yêu cầu khi chuông reng hết tiết, nếu HS nào phát hiện chỗ của bạn vẫn còn rác thì báo thầy, thầy sẽ cộng 1 điểm cho người phát hiện và tố giác. Chúng ta đã nói với nhau rất nhiều về việc HS VN thiếu kỹ năng hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm, và rằng kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm là cần thiết trong thời kỳ hội nhập. Thế nhưng kỹ năng ta đã và đang hình thành cho HS của chúng ta ngay từ tiểu học là: sự bí mật dò xét, tố giác lẫn nhau. Văn hóa hợp tác không thể nào được xây dựng trên sự đố kỵ, dò xét lẫn nhau. Là một người mẹ, tôi xin các nhà giáo dục hãy thật cẩn thận với tất cả những gì mình đang xây dựng và hình thành cho thế hệ trẻ. |