Thương vụ lịch sử
Thoạt tiên, cái tên Berli Jucker Public Company Limited, viết tắt là BJC, không gợi lên một chút “Thái Lan” nào. Có lẽ vì vậy mà ông Aswin Techajareonvikul, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc BJC đã khởi đầu câu chuyện với báo giới Việt Nam bắt đầu từ cái tên này.
132 năm trước, hai người Thụy Sỹ, một có tên là Berli, một có tên là Jucker, đã tới Thái Lan tìm cơ hội kinh doanh, và đặt tên công ty bằng chính tên mình.
Bắt đầu bằng việc đưa vào Thái Lan công nghệ sản xuất chai thủy tinh của Úc, BJC từng bước làm chủ ngành này trước khi mở rộng dần sang các lĩnh vực khác, từ sản xuất giấy vệ sinh, bánh snack cho đến dược phẩm, bán lẻ…
Giờ đây, BJC đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán của Thái Lan với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 88 tỷ Bạt Thái, tương đương 2 tỷ EUR. Trong năm 2013, tổng doanh thu của BJC là 42 tỷ Bạt, tương đương gần 1 tỷ EURO.
BJC vào Việt Nam năm 1995 với việc đầu tư một nhà máy chai thủy tinh tại Bình Dương, giữa lúc Luật Đầu tư nước ngoài vẫn còn mới mẻ với đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài. Trải nghiệm này, theo ông Aswin Techajareonvikul, đã đưa tới nhận định rằng tiềm năng của con người Việt Nam là rất lớn, và đó là cơ sở để thúc đẩy các kế hoạch đầu tư mới.
Cho đến nay, BJC đã đầu tư và đang sở hữu Nhà máy sản xuất giấy vệ sinh Cellox, Nhà máy sản xuất đậu phụ ICHIBAN, Nhà máy sản xuất chai thủy tinh, Nhà máy sản xuất lon nước giải khát với công suất 850 triệu lon/năm, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Thai Corp International Vietnam ở phía Nam. Quý 1/2014, doanh thu của BJC tại Việt Nam đạt khoảng 45 triệu USD, chiếm 66% doanh thu nước ngoài của BJC.
BJC hẳn sẽ không được chú ý nhiều nếu như không có thương vụ mua lại hệ thống Metro, một thương vụ làm ngỡ ngàng giới kinh doanh trong và ngoài nước. Con số hơn 879 triệu USD cho thương vụ này đã đưa tới nhiều bình luận khác nhau trên truyền thông, nhất là khi chưa có nhiều thông tin chính thức được công bố.
Ông Aswin Techajareonvikul thừa nhận, ban đầu BJC chỉ nghĩ cách làm thế nào để bán được hàng do các công ty con sản xuất vào các hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Mục tiêu này đã đưa tới các cuộc thảo luận chi tiết với Metro và từ các cuộc thảo luận này, BJC biết được nhu cầu bán hệ thống của Metro và các cuộc thảo luận chuyển hướng sang một thương vụ M&A.
Đóng vai trò quan trọng trong thương vụ này là Công ty tư vấn quốc tế Lazard, đơn vị đã “se duyên” cho hai bên, mặc dù cho đến nay, công ty này vẫn còn xa lạ với đông đảo giới kinh doanh Việt Nam.
Không tiết lộ nhiều về quá trình đàm phán, song Aswin Techajareonvikul thừa nhận đây là một thương vụ “rất tốt đối với BJC”. “Xây dựng một hệ thống thì quá lâu và tốn kém, nên chúng tôi quyết định mua lại và tin rằng việc đó sẽ giúp đẩy nhanh các kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam”, ông nói.
Nắm lấy cơ hội
Sau khi mua lại Metro, BJC có gần 14 nghìn người, gồm 10 nghìn người cũ và gần 4 nghìn người được “tiếp nhận nguyên trạng” từ Metro. Trong tổng số 14 nghìn người hiện tại thì có tới 7 nghìn người Việt Nam và 7 nghìn người còn lại là Thái Lan, điều khiến ông Aswin Techajareonvikul ví von rằng “giờ đây có thể coi chúng tôi là một công ty Thái - Việt”.
“Ở Thái Lan công ty chúng tôi là một trong những công ty được giới trẻ muốn đến làm việc, và chúng tôi cũng nỗ lực để tạo ra mong điều tương tự đó ở giới trẻ Việt Nam. Chúng tôi đào tạo nhân viên thế nào ở Thái, thì cũng sẽ làm đào tạo như thế cho nhân viên Việt Nam. Chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu cho hàng Việt Nam, để không chỉ bán trong nội địa mà còn đưa hàng Việt Nam ra thế giới”, ông nói.
Ông Aswin Techajareonvikul thừa nhận, với tư cách một nhà đầu tư, ông và đồng sự sẽ phải cân nhắc xem nên làm gì trong một thế giới cởi mở và giàu cơ hội như hiện nay, và thương vụ M&A quốc tế lớn nhất trong lịch sử BJC có lẽ là một minh chứng không thể thuyết phục hơn. “Chúng tôi nhìn thấy tương lai ở Việt Nam, do đó tôi nghĩ Metro mới chỉ là khởi đầu, trong tương lai sẽ đầu tư nhiều hơn nữa”, ông nhấn mạnh.
Theo thỏa thuận giữa BJC và Metro, BJC sẽ được phép sử dụng thương hiệu Metro trong 18 tháng kể từ khi hoàn tất thương vụ. Trong khoảng thời gian đó, BJC sẽ đặt tên mới cho hệ thống Metro, cho đến nay đã đạt con số 19 trung tâm trên toàn quốc, nhưng trong tương lai, sẽ còn nhiều hơn thế.
Thương vụ khủng khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam, vốn đang cung cấp hàng hóa ổn định cho Việt Nam, bỗng trở nên… thắc thỏm. Vai trò nhà cung cấp liệu có thay đổi khi chủ sở hữu mới có thể thay đổi chính sách nhập và bán hàng, theo đó gây khó khăn cho các nhà cung cấp truyền thống.
Như để giải tỏa lo lắng này, BJC cho hay sẽ nhất quán tiêu chí “hàng hóa phải phù hợp nhu cầu của người Việt và sẽ ưu tiên bán hàng Việt Nam”. “Chúng tôi không có kế hoạch tái cơ cấu hay hủy bỏ nhà cung cấp, và sẽ làm việc để hiểu hơn về các nhà cung cấp để giải tỏa vấn đề này”, ông Aswin Techajareonvikul cho biết.
Bộ phận pháp lý của BJC chắc chắn đang rất bận rộn trong những ngày này để có thể trình hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho hệ thống Metro lên Sở Kế hoạch và đầu tư Tp.HCM, dự kiến là vào tháng 10 tới. Đó sẽ là cơ sở để hai bên hoàn tất các thủ tục cần thiết trước khi chính thức công bố hoàn tất thương vụ vào giữa năm 2015 theo kế hoạch.
Cá nhân ông Aswin Techajareonvikul và các đồng sự vẫn lặng lẽ đi về giữa TP.HCM và Bangkok liên tục trong nhiều tháng qua. Vị doanh nhân tuổi Rồng (sinh năm 1976) hẳn đang rất hào hứng với kế hoạch đầy tham vọng ở mảnh đất mà con rồng vừa là một biểu tượng tính truyền thống, vừa là hình ảnh ẩn dụ về sự phát triển nhờ biết nắm lấy cơ hội.