Các chuyên gia Nga và quốc tế phân tích về khả năng Nga can thiệp quân sự, sáp nhập miền Đông Ukraina.
>>Khủng hoảng Ukraina cho Mỹ bài học ứng phó TQ?
>> Rủi ro của Putin tại Đông Ukraina gấp bội Crưm
>> Crưm và một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khác
Truyền thông phương Tây gióng lên hồi chuông cảnh báo việc quân đội Nga sẵn sàng tiến vào miền Đông Ukraina. Trong bối cảnh đó, gần đây, trang Russia Direct đã hỏi các chuyên gia Nga và quốc tế về khả năng Moscow can thiệp vào Ukraina và hệ quả của hành động này.
Andrei Kortunov, Giám đốc Điều hành của Hội đồng Đối ngoại Nga:
Sẽ là quá hấp tấp nếu nói quân đội Nga sẽ xâm chiếm miền Đông Ukraina. Trên hết, Nga không có kế hoạch triển khai quân ở đây, theo nguồn tin Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Nga chính thức xác nhận.
Tuy nhiên, trong một số tình huống nhất định, Moscow có thể can thiệp. Nhưng sự can thiệp đó chỉ được biện minh trong trường hợp ở Kiev xảy ra tàn phá và hỗn loạn toàn diện, nếu như Ukraina hoàn toàn sụp đổ, nếu như những người cấp tiến gia tăng ảnh hưởng tại quốc gia này. Dựa trên những sự kiện gần đây và hoạt động ngày càng nhiều của tổ chức cực đoan "Khu vực Cánh hữu", tình trạng lộn xộn ở Ukraina còn lâu nữa mới được giải quyết.
Mặc dù vậy, tình hình hiện nay ở Ukraina không đến mức như các viễn cảnh trên, nên sẽ không có cớ để Nga can thiệp. Chúng ta cũng nên chú ý đến phản ứng của phương Tây, vốn kịch liệt phản đối một viễn cảnh như vậy và cũng không úp mở gì về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Và chính quyền Nga cũng hiểu rõ điều này.
Những người biểu tình thân Nga tại Donetsk. Ảnh: Reuters |
Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow:
Thực tế là Nga đang chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau ở Ukraina, bao gồm cả việc phản ứng với tình trạng bất ổn trong quần chúng, căn cứ trên bối cảnh xã hội - kinh tế và việc chính quyền Ukraina bất lực khi đối phó với làn sóng chống đối. Điều này có thể khiến nhà nước Ukraina sụp đổ, và đây là viễn cảnh rất xấu.
Để ngăn việc Moscow tiến xa, phương Tây nên nhanh chóng hỗ trợ chính quyền lâm thời tại Ukraina về mặt tài chính, chính trị, thể chế và điều hành. Sự ổn định ở Ukraina phụ thuộc vào năng lực của lãnh đạo nước này trong việc tạo ra thế cân bằng trong nước - cả về mặt vùng miền lẫn ngôn ngữ (giữa miền Đông và miền Tây, và giữa tiếng Ukraina với tiếng Nga). Nói cách khác, họ phải tìm được một thế cân bằng về địa chiến lược ở miền Đông Ukraina.
Michael E. O'Hanlon,giảng viên thỉnh giảng Đại học Princeton, Giáo sư Đại học John Hopkins và là Giám đốc nghiên cứu Khoa Chính sách Đối ngoại, Học viện Brookings:
Tôi cực lực phản đối bất kỳ hành động nào của Nga nhằm can thiệp vào miền Đông Ukraina. Tôi nói vậy với tư cách một người hiểu rõ việc Nga đã làm gì ở Crưm. Bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào cũng cần phải có đủ thời gian để làm nguôi nỗi sợ hãi cũng như cơn giận giữ và các quan sát viên quốc tế có mặt, thảo luận toàn diện (ngay cả khi quân đội Nga vẫn có mặt tại Crưm khi đó).
Do đó, những gì Nga đã làm ở Crưm khó có thể coi là đúng, nhưng hành động này có thể được chấp nhận ít nhiều nếu như được xử lý theo cách khác và kiên nhẫn hơn. Đó là bởi lịch sử Crưm rất phức tạp, nơi đây lại có phần đông dân cư gốc Nga và nói tiếng Nga.
Trái lại, bất kỳ động thái nào can thiệp vào miền Đông Ukraina trong bối cảnh hiện nay đều cho thấy thái độ đế quốc và bành trướng của Moscow và thật sự rất đáng tiếc.
Igor Korotchenko, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Quốc gia của Nga, và là giám đốc Trung tâm phân tích Thương mại vũ khí Thế giới:
Nga sẽ chỉ triển khai quân ở miền Đông Ukraina trong trường hợp nội chiến ở Ukraina diễn ra trên quy mô toàn quốc và có các hành động quân sự nhằm vào người gốc Nga. Moscow sẽ bảo vệ đồng bào của mình và dựa trên tiền lệ ở Kosovo cũng như khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh đó, Nga không cần quan tâm tới quan hệ với phương Tây. Chúng tôi không quan tâm tới việc NATO phản ứng hế nào nếu như thấy sinh mệnh đồng bào mình tại Ukraina bị đe dọa. Tóm lại, chúng tôi sẽ hành động theo lợi ích quốc gia cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế.
Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraina và học giả cấp cao tại Học viện Brookings:
Washington rất lo ngại về quy mô và tính sẵn sàng của lực lượng Nga đóng gần biên giới phía Đông Ukraina. Thay vì chuyển sang hướng giải tỏa khủng hoảng, Moscow lại kích động thêm. Ít nhất thì việc quân đội Nga hiện diện tại đây có vẻ như nhằm để cho chính quyền Kiev luôn trong trạng thái bất an.
Điều này có thể nhất quán với các hành động khác của Kremlin khiến Ukraina bất ổn. Hiện vẫn chưa rõ ông Putin có ý định đẩy sự việc xa tới đâu, dù ông tuyên bố rằng không có ý đồ nào với lãnh thổ Ukraina.
Một sự can thiệp của Nga vào miền Đông Ukraina là động thái rất nguy hiểm. Các đơn vị quân đội Ukraina có thể chiến đấu, và người dân cũng sẽ phản kháng lại hành động này.
Dù quân đội Nga áp đảo cả về vũ khí và quân số, tình hình vẫn rất xấu. Nếu ông Putin mắc sai lầm khi can thiệp quân sự rộng hơn vào Ukraina, tôi nghĩ phương Tây sẽ đáp trả theo rất nhiều cách, kể cả các trừng phạt tài chính và kinh tế nhằm vào Nga.
Michael Slobodchikoff, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Troy:
Phương Tây ngày càng lo ngại. Rất nhiều nhà quan sát tin rằng Nga sẽ tiến vào miền Đông Ukraina, và vùng này sẽ trở thành một phần nước Nga giống như Crưm. Dù đây cũng là một khả năng, nhưng đến nay lực lượng vũ trang Nga chưa xâm lược miền Đông Ukraina, và cũng có vẻ miễn cưỡng làm việc này.
Nếu mục đích của Nga là sáp nhập miền Đông Ukraina, thì họ đã làm vậy rồi. Do đó, câu hỏi vẫn là liệu Nga có sáp nhập khu vực này hay không, và câu trả lời vẫn là "có thể".
Người Nga sẵn sàng di chuyển lực lượng nếu họ quyết định sáp nhập miền Đông Ukraian, nhưng có vẻ họ không vội vã làm vậy. Thay vào đó, họ đã tiếp cận phương Tây và đưa ra đề xuất để Ukraina trở thành một hệ thống liên bang, nhằm gia tăng quyền tự trị cho miền Đông. Đó là cách giúp đảm bảo rằng họ không cần phải chiếm miền Đông Ukraina mà vẫn có thể ảnh hưởng lên chính sách tại đây.
Lê Thu (theoRussia-direct.org)
Ukriana, làn sóng ly khai, Donetsk, Nga, can thiệp quân sự, sáp nhập, miền Đông Ukriana, lật đổ chính quyền, nội chiến, Putin