Trong quán nhậu đông nhất là người trẻ tuổi - Ảnh: Quang Định |
Chất tạo... tự tin
“Đám bạn tôi định nghĩa ngầm với nhau như sau: trà là thức uống dành cho người già, nước ngọt cho con nít và nước suối là cho con gái. Chỉ có rượu bia là thức uống dành cho đàn ông. Càng uống giỏi rượu bia càng nam tính” - Nguyễn Thế V. (Tân Bình) cho biết.
V. nói rằng đứa nào “đô” cao cũng tự hào mình mạnh mẽ hơn “thằng” khác. Đã vào bàn, ít cũng phải một, hai chai, mà nếu uống cầm chừng như vậy thể nào cũng bị bạn bè cười chê, thậm chí “tẩy chay” lần sau không gọi nữa.
“Bản thân tôi cách đây hai năm uống khá yếu, đến chai thứ hai đã thấy bụng cồn cào, không “đu” theo nổi mấy thằng bạn uống lần cả nửa “khung” (một két bia). Những lúc đó tôi cảm thấy rất mất mặt. Tôi đã phải luyện “đô” mới có thể theo kịp bạn bè hoặc không làm mất hứng sếp, đồng nghiệp khi đi ăn uống chung cơ quan, cũng tránh được việc bị coi thường” - V. nói.
Không ít bạn trẻ uống rượu bia khi thất vọng về cuộc sống. Như Đặng Trần N.S. (Thủ Đức) cho biết: “Bia rượu khiến mình dễ chịu hơn. Bản thân tôi thường tìm đến bia rượu những khi thấy thất vọng, thất nghiệp, thất tình, khi bị ba mẹ la mắng, bị sếp trách phạt... Lúc đó ngồi nốc ly bia, trút hết nỗi lòng với đám chiến hữu thật sự cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Tôi nghiện là nghiện cảm giác đó”.
Không thể không uống
Với Trần Phương Đ. thì ở miền Tây quê bạn, con trai lớn lên phải uống giỏi rượu bia là một điều không thể làm khác. Nếu vào bàn không tiếp rượu các cha chú sẽ bị trách là không coi người lớn ra gì, hoặc coi thường thịnh tình của người khác.
“Bản thân tôi cùng nhiều bạn bè, anh em trong họ đã được các cha chú gọi ngồi chung bàn cho tập tành uống rượu bia từ 13-14 tuổi. Đến khi trưởng thành, người nào cũng phải đạt “ngưỡng” ngồi lai rai được cả buổi, thậm chí cả ngày” - Đ. cho hay.
Đ. cho biết thêm trong dịp tết là phải uống được từ ngày này sang ngày khác, nhà này sang nhà khác, nếu kiếm cớ từ chối sẽ bị xem là không biết cách ứng xử.
Hoàng Thanh Tuấn (23 tuổi, Q.3) kể bản thân chưa từng nếm qua rượu bia khi còn là sinh viên, nhưng từ khi đi làm sales (bán hàng) thì nhận ra rằng việc nhậu nhẹt là không thể tránh khỏi.
“Hầu hết hợp đồng đều dễ dàng được ký kết trên bàn nhậu hơn là ở những địa điểm khác. Và có lẽ men bia cũng giúp việc đề cập đến các yếu tố “hoa hồng”, tạo mối quan hệ... thoải mái hơn” - Thanh Tuấn nói.
Nhiều người bạn của Thanh Tuấn làm trong lĩnh vực sales cũng có nhận định tương tự.
“Như tôi còn đỡ bởi khách hàng làm trong lĩnh vực y tế nhậu còn biết điểm dừng, còn những đồng nghiệp của tôi làm bên mảng xây dựng, nhà hàng... thì việc mỗi ngày uống cả chục chai là bình thường. Có lẽ nhiều khách hàng biết những độ nhậu này thường được công ty bán sản phẩm khao nên họ uống cũng thoải mái” - Thanh Tuấn nói.
Nhiều bạn trẻ cho rằng không thể không uống, vì nếu không uống cũng không biết làm gì. Như với N.T.Toàn (sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM), khi bạn bè tụ tập thì chỉ có rủ nhau đi nhậu chứ chẳng biết đi đâu khác. Đi cà phê thì nhạt nhẽo, không có hứng nói chuyện, đi bar cũng chỉ là nhậu mà còn tốn rất nhiều tiền, đi chơi xa thì không phải lúc nào cũng đi được, và cho dù có đi chơi xa cũng nhậu thâu đêm suốt sáng, hôm sau tỉnh dậy rồi về trong cơn mệt mỏi. Nhậu không cần lý do, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu...
Còn bạn, bạn thấy lý do nào khiến bạn trẻ nhậu nhiều? Hay bạn có câu chuyện của riêng mình, mời bạn gửi về nhipsongtre@tuoitre.com.vn hoặc tto@tuoitre.com.vn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét