Lịch sử tìm kiếm trên chiếc iPad của cơ phó Lubitz cho thấy anh ta đã tìm kiếm những thông tin về cách thức tự sát và phương pháp an ninh của cửa buồng lái ngay trước ngày xảy ra thảm kịch.
Ngày 2/4, các công tố viên Đức cho hay viên cơ phó “tử thần” cố tình lái chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Germanwings chở theo 149 người khác đâm vào núi đã từng tìm kiếm trên mạng Internet về cách thức tiến hành một vụ tự sát cũng như các biện pháp an ninh của cửa buồng lái máy bay.
Kết luận trên được đưa ra sau khi các điều tra viên phân tích chiếc iPad được tìm thấy trong căn hộ của cơ phó Andreas Lubitz ở Dusseldorf và lục lại lịch sử tìm kiếm Internet của anh ta từ ngày 16/3 đến ngày 23/3, một ngày trước khi xảy ra thảm kịch.
Thông báo của các công tố viên Đức cho biết: “Trong thời gian này, anh ta đã tìm kiếm các biện pháp chữa trị y tế cũng như cách thức và khả năng thực hiện một vụ tự sát. Trong ít nhất một ngày, anh ta đã dành vài phút nghiên cứu về cửa buồng lái và các cơ chế an toàn của nó”.
Trước đây, nhiều người cho rằng việc các công tố viên Đức nhận định Lubitz đã cố tình đâm máy bay vào núi là một hành động vội vàng, và những thông tin mà họ thu được từ thiết bị ghi âm buồng lái là chưa đủ độ tin cậy để đưa ra kết luận như vậy.
Tuy nhiên, với việc cơ phó Lubitz đã nghiên cứu về các biện pháp an ninh của cửa buồng lái chứng tỏ rằng hành động của anh ta là cố tình và đã được tính toán kỹ từ trước. Các công tố viên Pháp cho rằng thiết bị ghi âm buồng lái và các dữ liệu khác chứng tỏ Lubitz đã cố tình khóa cơ trưởng bên ngoài buồng lái và điều khiển máy bay lao thẳng xuống núi.
Hôm qua, các quan chức Pháp cũng tiết lộ rằng tín hiệu cảnh báo tốc độ trong buồng lái đã bị cố tình tắt đi 2 lần, chứng tỏ Lubitz không hề bị bất tỉnh hay tê liệt trong lúc máy bay lao xuống. Họ cũng nghe thấy hơi thở rất đều đặn của Lubitz trong đoạn băng ghi âm buồng lái trước khi máy bay lao vào núi.
Gaby Dubbert, một chuyên gia tâm lý tội phạm và pháp y của Đức, người từng phân tích 31 vụ giết người-tự sát và viết một cuốn sách về đề tài này, cho rằng việc suy tính từ trước thường là một đặc điểm của các vụ giết người-tự sát. Bà Dubbert nói: “Dựa trên những nghiên cứu của tôi, đa phần các vụ giết người-tự sát đều được lên kế hoạch rất kỹ từ trước”.
Cuộc điều tra về thảm kịch này cũng đã tiến thêm được một bước khi vào ngày hôm qua, các điều tra viên Pháp đã tìm thấy chiếc hộp đen thứ hai tại hiện trường chiếc máy bay đâm vào núi sau một thời gian tìm kiếm.
Ông Brice Robin, công tố viên trưởng Marseille phụ trách cuộc điều tra cho biết vỏ ngoài của chiếc hộp đen thứ hai đã bị cháy đen và bị chôn vùi trong đống mảnh vỡ, tuy nhiên họ vẫn hy vọng rằng các dữ liệu bên trong có thể khôi phục được.
Việc tìm thấy hộp đen thứ hai ghi lại dữ liệu chuyến bay sẽ cho phép các điều tra viên biết được chính xác hơn những gì mà Lubitz đã làm trong buồng lái để đưa chiếc máy bay vào một quỹ đạo tử thần, đồng thời ngăn cản không cho cơ trưởng vào trong buồng lái.
Thiết bị này theo dõi hàng trăm thông tin vận hành của máy bay, chẳng hạn như vị trí, tốc độ, độ cao và hướng bay. Một quan chức Pháp cho biết lớp bảo vệ của hộp đen thứ hai không bị hư hỏng quá nặng, làm dấy lên hy vọng rằng thẻ nhớ bên trong nó sẽ được khôi phục và được đồng bộ với thiết bị ghi âm buồng lái.
Ông Robin cho hay các điều tra viên cũng đã tìm thấy 40 chiếc điện thoại di động ở hiện trường máy bay rơi, tuy nhiên tất cả những điện thoại này đều bị hư hỏng rất nặng sau cú đâm ở tốc độ hơn 700 km/h, và việc khôi phục dữ liệu trong những điện thoại này là vô cùng khó khăn.
Cũng theo ông Robin, cho đến nay các chuyên gia pháp y đã xác định được 150 mẫu ADN từ các mảnh thi thể nạn nhân để phục vụ cho việc nhận dạng bắt đầu từ tuần tới. Ngay sau khi nhận dạng được nạn nhân nào, các điều tra viên sẽ lập tức thông báo cho thân nhân, bất kể họ thuộc quốc tịch nào, ông Robin cho biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét