Nghỉ nhiều không làm ra sản phẩm nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho nhân viên, trả lãi ngân hàng… là điều khiến nhiều doanh nghiệp không mấy hài lòng khi sắp có một kỳ nghỉ lễ dài 6 ngày.
Theo thông báo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương cùng 30/4 và 1/5 năm nay, công chức, viên chức sẽ được nghỉ liền 6 ngày, tính từ ngày 28/4 đến ngày 3/5/2015, nhưng phải đi làm bù vào ngày thứ bảy (25/4) để được nghỉ liền.
Trước lịch nghỉ như trên, bên cạnh doanh nghiệp ủng hộ nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp tỏ ra không đồng tình.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành tỏ ra đồng tình khi cho rằng: Càng nghỉ nhiều thì doanh nghiệp càng bị thiệt hại khi không làm ra sản phẩm nào nhưng vẫn phải trả lương cho nhân viên, trả lãi tiền vay cho ngân hàng.
“Kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 tới không nên nghỉ quá dài, bởi chúng ta vừa trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới 9 ngày chính thức, nhưng trên thực tế phải nghỉ tới 15-20 ngày, kể cả công chức, viên chức có đi làm từ ngày mùng 6 Tết nhưng thực tế phải đến ngày mùng 10 mới làm việc.
Lại sắp nghỉ 6 ngày nữa thì tôi cho rằng Chính phủ đang quá lạc quan về nền kinh tế, càng nghỉ càng thiệt hại cho doanh nghiệp, mà thiệt hại cho doanh nghiệp là thiệt hại cho nền kinh tế. Trong khi đó, người dân cũng chẳng biết đi đâu, sinh ra ăn nhậu nhiều càng tốn kém hơn”, ông Đực nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, nghỉ lễ dài ngày thì chỉ tốt cho những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch, còn nhiều doanh nghiệp sản xuất khác bị sẽ ảnh hưởng. |
Cũng theo vị lãnh đạo này, nếu cho rằng nghỉ nhiều ngày, người dân có thời gian đi chơi, đi du lịch sẽ kích cầu được ngành du lịch, dịch vụ…. là ảo tưởng, kích cầu đó chẳng được bao nhiêu so với những thiệt hại của hàng vạn doanh nghiệp khác.
Chính vì thế, ông Đực kiến nghị, chỉ nên nghỉ 1 ngày hoặc 2 ngày đúng ngày 30 và 1/5 thôi, không nên làm bù, nghỉ gộp.
“Nếu như trước đây chúng ta làm việc 1 tuần 6 ngày thì ít có việc nghỉ bắc cầu. Kể từ khi làm việc 5 ngày một tuần, nghỉ 2 ngày thứ 7 và chủ nhật mới phát sinh ra việc nghỉ nhiều ngày. Đây là một sai lầm khi đất nước chúng ta chưa đủ giàu, người dân cũng chưa giàu để có thể ăn chơi, nghỉ ngơi quá nhiều”, ông Đực phân tích.
Tuy nhiên, dù phản đối việc nghỉ lễ kéo dài này nhưng ông Đực vẫn phải thực hiện miễn cưỡng khi cho nhân viên nghỉ làm, còn nếu cho nhân viên đi làm bù ngoài giờ thì không những nhân viên không hài lòng mà doanh nghiệp còn phải trả thêm tiền gấp rưỡi, gấp đôi thì càng đội chi phí.
Cũng không mấy hài lòng về kỳ nghỉ lễ dài 6 ngày tới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu GP-Invest chia sẻ: Vấn đề này khá khó cho doanh nghiệp, nếu không cho nghỉ thì sẽ bị cho là đứng phía quyền lợi doanh nghiệp không quan tâm đến người lao động, nhưng nếu nghỉ dài ngày thì các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Vị này dẫn chứng, công nhân có quê xa họ thường tranh thủ những kỳ nghỉ dài ngày để về, sau thời gian đó thường là nửa tháng sau mới có đầy đủ người làm việc. Ví như đợt nghỉ Tết Nguyên đán, phải sau rằm tháng Giêng công ty mới có đủ người làm dù đã phải đốn đốc liên tục.
“Theo tôi chỉ nên có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thì có thể bố trí cho nghỉ bù, dài ngày, còn các kỳ nghỉ khác trong năm mà cứ tranh thủ cho nghỉ dài ngày thì chỉ có riêng ngành du lịch là họ thích vì sẽ có nhiều khách hàng hơn, còn nhiều ngành khác chắc chắn sẽ khó khăn và không thích nghỉ dài. Nhất là các đơn vị xây dựng, làm dự án sẽ bị chậm tiến độ”, ông Hiệp nêu quan điểm.
Được biết, GP- Invest sắp có dự án chào thị trường vào tháng 5 tới đây, vì thế sẽ có nhiều công việc cần triển khai, ông Hiệp cho hay: Sẽ phải họp với các bộ phận, có thể sẽ không đi làm bù và sẽ chỉ nghỉ đúng ngày lễ thôi. Còn đối với các đơn vị làm việc ở công trường xây dựng cũng đang xem xét lại tiến độ, nếu hạng mục nào chậm thì sẽ phải động viên người lao động làm việc, nhưng khi đó chúng tôi lại phải trả lương theo chế độ ngày nghỉ, chi phí sẽ bị tăng hơn.
Khác với các đơn vị trên, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á lại cho rằng dù khi nghỉ kéo dài thì có ảnh hưởng phần nào đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng bù lại sẽ tạo động lực mới cho người lao động.
Do đó, ông Kiêm rất ủng hộ việc cho nghỉ lễ dài ngày vì sẽ đẩy các dịch vụ khác như du lịch, xe cộ, ăn uống… phát triển nhanh hơn, có thể đóng góp cho nền kinh tế. Theo ông, ở các nước tiên tiến người ta thường tạo các kỳ nghỉ kéo dài để giảm các chi phí lao động, giảm chi phí ở cơ quan.
“Tính đi tính lại, có thể nghỉ gộp, dài ngày sẽ tạo điều kiện cho xã hội phát triển cả về vật chất và tinh thần, vẫn có lợi hơn so với nghỉ từng ngày một bởi nghỉ ít sẽ không tạo được động lực mạnh mẽ cho sức lực người lao động cũng như hoạt động của xã hội”, ông Kiêm nêu quan điểm.
Hơn nữa, vị lãnh đạo này còn cho rằng, khi tinh thần của người lao động được thoải mái, dù thời gian làm việc giảm nhưng năng suất lại tăng lên, tinh thần sảng khoái thì ngày ốm, ngày nghỉ sẽ ít hơn. Những ngày nghỉ doanh nghiệp cũng sẽ không phải chi phí điện, nước, xe đưa đón cán bộ công nhân viên và chi phí khác thì việc cho nghỉ ngơi dài ngày sẽ có lợi nhiều hơn thiệt hại.
Mới nhất
Liên tục nghỉ lễ dài ngày: Doanh nghiệp méo mặt "ăn phạt" vì chậm giao hàng
Thực hư việc nguyên Chủ tịch Đà Nẵng cấp phép “cải tạo đất” trước về hưu?
Hạn chế rượu bia hay hạn chế say xỉn?
Tịch thu xe của tài xế say xỉn: Xe biển xanh, xe mượn... xử được không?
Tịch thu xe của tài xế say xỉn: Chuyện không đơn giản thế!
Kinh tế thị trường và câu trả lời của Thủ tướng
Lái xe "có cồn", sẽ tịch thu cả xe đi mượn: Nhật, Hàn cũng làm thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét