Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khẳng định không có đơn vị nào xin trì hoãn kiểm toán năm 2015 trong quá trình đơn vị này lên kế hoạch kiểm toán.
Đó là trả lời của Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng trước câu hỏi của VnEconomy về quá trình lên kế hoạch kiểm toán 2015 mà đơn vị này vừa công bố sáng 20/3.
Theo ông Khổng, thông thường Kiểm toán Nhà nước sẽ lên kế hoạch kiểm toán hầu hết các đơn vị, bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý và sử dụng tiền, tài sản có nguồn gốc ngân sách. Những đơn vị nào năm trước đó đã làm thì năm sau có thể chưa phải kiểm toán lại.
Chính vì vậy, khi được hỏi liệu có việc “chạy chọt” xin trì hoãn của các đơn vị trong quá trình xây dựng kiểm toán hay không, đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho biết, không có đơn vị nào xin trì hoãn, lui thời hạn kiểm toán.
Thậm chí, có một số đơn vị còn xin được kiểm toán ngay trong 2015.
“Vừa rồi Bộ trưởng Đinh La Thăng có gặp và cả gọi điện cho tôi nói rằng muốn kiểm toán toàn bộ ngành giao thông trong năm nay, nhưng tôi nói không thể làm được”, ông Khổng cho hay.
Theo Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, nhu cầu cần phải kiểm toán của các đơn vị, dự án hiện rất lớn nhưng điều kiện và lực lượng, nhân sự của Kiểm toán Nhà nước không thể đáp ứng hết được.
Cũng chính vì vậy, trong khi một số nước tiên tiến trên thế giới với hàng trăm năm kinh nghiệm về kiểm toán, họ đã tiến hành “kiểm toán hoạt động”, trong khi Kiểm toán Nhà nước của Việt Nam vẫn chủ yếu là kiểm toán qua báo cáo tài chính.
Song, hiện nay Kiểm toán Nhà nước cũng đang tiến hành thí điểm việc kiểm toán hoạt động tại 5 dự án, trong đó có sự lồng ghép giữa kiểm toán báo cáo, kiểm toán sự tuân thủ và kiểm toán hoạt động để tiến tới phổ biến phương thức kiểm toán tiên tiến này.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của VnEconomy về sự trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, từ đó gây khá nhiều phiền phức cho các doanh nghiệp, đơn vị, ông Cao Tấn Khổng thừa nhận “có chuyện đó”.
Theo ông Khổng, sở dĩ có sự trùng lắp, chồng chéo là bởi thẩm quyền và chức năng của từng đơn vị đã được cấp trên giao cho và tất cả đều lên kế hoạch cho hoạt động của mình.
Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất những phiền toái cho doanh nghiệp, các đơn vị, bộ ngành, địa phương, vừa qua Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã ký quy chế phối hợp, trong đó có nội dung “tránh sự trùng lắp, chồng chéo” trong hoạt động của hai bên.
Với sự hợp tác này, ông Khổng cho hay, tới đây có thể với những đơn vị nào mà Thanh tra Chính phủ đã làm rồi thì Kiểm toán Nhà nước có thể sử dụng kết quả của thanh tra và ngược lại.
“Về lý thì chúng tôi có thể tiếp tục vào một đơn vị nào đó cho dù thanh tra Chính phủ vừa làm việc tại đó. Tuy nhiên, có nhiều việc tế nhị, xét về khía cạnh tình thì chúng tôi không vào nữa. Chẳng hạn, có khi kiểm toán lên kế hoạch kiểm toán một Sở Xây dựng nào đó nhưng khi vào thì thấy thanh tra ngành vừa làm xong thì chúng tôi có thể sử dụng kết quả của thanh tra mà không cần phải kiểm toán nữa”, ông Khổng nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét