Cảnh sát Hồng Kông hôm 8-2 bắt giữ 13 người và phải dùng tới hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình phản đối làn sóng người Trung Quốc đại lục đổ sang mua hàng ồ ạt.
Gom hàng trước Tết
Người biểu tình ban đầu tuần hành từ ga tàu điện tới trạm dừng của xe buýt B3X ở trung tâm khu Đồn Môn, gần một cửa khẩu giữa Hồng Kông và Trung Quốc. Họ hô vang khẩu hiệu phản đối như “Hãy trở về đại lục” và “Trả lại Đồn Môn cho chúng tôi”. Tuyến xe buýt B3X đi từ trung tâm Đồn Môn tới vịnh Thâm Quyến - Trung Quốc đang được du khách cũng như những đầu nậu gom hàng từ đại lục tận dụng hết công suất. Căng thẳng bùng phát khi một cặp vợ chồng Trung Quốc ẩu đả với nhóm người biểu tình khiến cảnh sát phải can thiệp.
Cảnh sát giải tán người biểu tình Hồng Kông phản đối người Trung Quốc ở Đồn Môn Ảnh: SCMP
Cư dân Đồn Môn cho rằng tiền của người đại lục đang bóp méo nền kinh tế địa phương, làm tổn thương các cửa hàng gia đình và đẩy giá bất động sản cũng như giá thuê nhà lên cao. Gây bất bình nhất là những đầu nậu vượt biên gom các sản phẩm như sữa bột trẻ em, dược phẩm, mỹ phẩm và một số mặt hàng giá rẻ ở Hồng Kông để mang về Trung Quốc bán kiếm lời. Trước Tết Nguyên đán là thời điểm hoạt động mạnh nhất của các đầu nậu này. “Chúng tôi rất bực bội vì dân đầu nậu. Lực lượng này ngày càng hùng hậu. Họ khiến nền kinh tế tồi tệ hơn” - một người biểu tình họ Trương chia sẻ trong lúc dội nước lên mặt để làm dịu hơi cay.
Tích trữ đất đai
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Malaysia Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob hôm 9-2 tuyên bố không rút lại và cũng không xin lỗi vì phát ngôn gây sốc 4 ngày trước đó kêu gọi người tiêu dùng nước này tẩy chay doanh nghiệp của người Hoa chây ì không chịu giảm giá hàng hóa dù giá xăng dầu xuống thấp trong thời gian qua. Trang tin Malaysian Insider dẫn lời ông Yaakob cho rằng không việc gì ông phải xin lỗi khi chỉ muốn bảo vệ những người đang phải chịu gánh nặng của giá hàng hóa cao.
Trước đó, khoảng 100 người dân biểu tình phản đối dự án căn hộ cao cấp Datum Jelatek ở vùng Taman Keramat, bang Selangor, phía Tây Malaysia đã xông vào công trường xây dựng hôm 25-1. Họ lo ngại nơi này sẽ biến thành một “quận của người Trung Quốc”. Hai xe tải cảnh sát được huy động tới hiện trường kịp thời giải tán người biểu tình nhưng vẫn không thể giải tỏa lo ngại của phần đông dân chúng. Cư dân địa phương cho rằng chỉ có người Trung Quốc mới đủ khả năng mua các căn hộ tại chung cư cao cấp đang xây này.
Viễn cảnh người Malaysia lo ngại cũng chính là tình trạng mà nông dân Hồng Kông ở sát biên giới Trung Quốc đại lục đang phải vật lộn. Họ gọi những dự án xây dựng đô thị hàng tỉ USD ở khu vực “nhạy cảm” này - do chính quyền và các nhà đầu tư bất động sản hợp tác - là “sự tích trữ đất của các đại gia Trung Quốc”. Dự án sẽ “đẩy” hàng ngàn nông dân thành người thành thị nhưng chỉ có 614 ha trong các dự án nêu trên dành cho nhà ở xã hội, phần đất gấp nhiều lần số đó dùng để xây các khu trung tâm thương mại cũng như căn hộ cao cấp. Lâu nay, các đại gia bất động sản hay giới nhà giàu Trung Quốc đại lục đã bị quy trách nhiệm đối với việc giá nhà ở Hồng Kông bị thổi lên cao.
Đỗ Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét