Các chuyên gia Nga đã nhận xét như vậy về việc Hoa Kỳ đề xuất với Nhật Bản phối hợp tuần tra các tuyến đường thương mại trên biển Đông, tờ Tiếng nói nước Nga đưa tin.
Theo ý kiến của họ, phần lớn dầu mỏ được Trung Quốc nhập khẩu từ Trung Đông và châu Phi. Do đó, theo các chuyên gia Nga, chuyện Trung Quốc nhất định sẽ có phản ứng mạnh mẽ đối với tuyên bố của Hoa Kỳ là điều không thể tránh khỏi.
Ban lãnh đạo quân sự Nhật Bản dự định sẽ nghiên cứu đề nghị của Hoa Kỳ, Bộ trưởng quốc phòng Gen Nakatani tuyên bố. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng phản ứng tích cực của Tokyo có thể khiến Bắc Kinh phật lòng.
Dù thế nào đi chăng nữa, khi đưa ra đề xuất như vậy cho Tokyo, Washington theo đuổi mục tiêu của mình, biết rằng trên thực tế dòng dầu mỏ nhập khẩu qua biển Đông không chỉ đến Trung Quốc, mà còn đến Nhật Bản.
Phó Giám đốc Viện Mỹ và Canada, ông Pavel Zolotarev nói: “Người Mỹ tìm ra một nguyên cớ tốt đẹp để mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực. Và họ cũng không che giấu thực tế là điều quan tâm chủ yếu của Mỹ là Trung Quốc. Điều đó xuyên suốt tất cả các văn bản của họ. Nếu đọc kỹ, ngay cả hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực cũng được Mỹ xây dựng để ngăn chặn tiềm năng tên lửa Trung Quốc.
Đó là điều rõ ràng, mặc dù họ nói rằng phòng thủ tên lửa ở châu Á chủ yếu liên quan với Bắc Triều Tiên. Trước đó có tin rằng trước khi từ chức, trùm tình báo Mỹ đã lưu ý đến các hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á, trong đó có phản ứng đáp trả các lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản trong vùng biển xung đột.”
Chính phủ ông Abe sẽ thúc đẩy quốc hội thông qua giải pháp cho phép các lực lượng vũ trang nước nhà tham gia các hoạt động chung với Hoa Kỳ bên ngoài quần đảo Nhật Bản. Theo hiến pháp phi chiến tranh hiện hành, Nhật Bản không có quyền tương tự. Đề xuất của Mỹ cùng nhau tuần tra các tuyến đường thương mại và quân sự chung ở Biển Đông sẽ thúc đẩy Nhật Bản sửa đổi hiến pháp. Mục đích của Mỹ ở đây là kết nối Nhật Bản chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản Valery Kistanov nói tiếp: “Một trong những vấn đề đau đầu của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là sự gia tăng tiềm năng quân sự và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Đó là một thách thức lớn đối với sức mạnh của Mỹ, cũng như đối với sự thống trị của Mỹ trong khu vực.
Vì vậy, nếu người Mỹ đưa ra đề nghị này, trước hết điều đó liên quan đến Trung Quốc, đó là chuyện dễ hiểu. Đây là một đề nghị mang tính khiêu khích, có thể khiến cho Nhật Bản đối đầu mạnh mẽ với Trung Quốc và tạo ra nguyên cớ để Mỹ có lý do mới tăng cường hiện diện của mình trong khu vực để bảo vệ đồng minh. Trung Quốc sẽ mạnh mẽ đáp trả điều này”.
Sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Biển Đông là một nhân tố gây khó chịu mạnh mẽ trong quan hệ Trung-Mỹ. Bắc Kinh không loại trừ rằng trong trường hợp nghiêm trọng, Washington cố gắng gây áp lực quân sự đối với Trung Quốc ở khu vực này.
Đặc biệt, có thể chặn đường tàu chở dầu tới Trung Quốc. Một số tàu của Hạm đội 7 của Mỹ và tàu chiến Nhật Bản xuất hiện ngay bên cạnh có thể đặt Trung Quốc vào tình thế khó khăn. Và khi đó phản ứng của quân đội Trung Quốc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
THÚY HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét