Tổng thống Ukraina Porochenko đề nghị thượng đỉnh Astana. Ảnh chụp ngày 05/01/2015. REUTERS/Valentyn Ogirenko.
Trong các tuyên bố đầu năm Dương lịch, cả Tổng thống Pháp François Hollande lẫn Thủ tướng Đức Angela Merkel đều tỏ vẻ hoài nghi về tính chất hữu ích của một hội nghị thượng đỉnh như vậy. Không hẹn mà gặp, cả hai lãnh đạo Pháp và Đức đều đồng ý trên nguyên tắc về việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Astana, nhưng đòi hỏi một số điều kiện.
Nói chuyện trên đài phát thanh France Inter ngày 5/1/2015, Tổng thống Pháp tuyên bố: "Tôi sẽ đến Astana vào ngày 15 tháng Giêng với một điều kiện. Đó là đạt được thêm một số tiến bộ. Nếu hội nghị chỉ là để gặp gỡ, nói chuyện với nhau mà không tiến triển, thì đó là điều vô ích. Tuy nhiên tôi cho rằng sẽ có tiến bộ".
Trong một thông điệp được cho là nhắn gởi đến Tổng thống Nga Putin, ông Hollande nhấn mạnh rằng nếu có tiến bộ tại Hội nghị Astana, thì các biện pháp trừng phạt đối với Moscow phải được gỡ bỏ.
Berlin cũng đề ra điều kiện. Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel xác định: "Một cuộc họp như vậy chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta có thể thực sự tiến bộ". Đối với phía Đức, có thể được coi là tiến bộ thực thụ việc các bên "thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình Minsk, ngừng bắn thực sự và lâu dài, thiết lập một tuyến liên lạc giữa hai vùng do chính quyền Ukraine và do phiến quân kiểm soát, và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực".
Thỏa thuận hòa bình Minsk đã được ký kết ngày 5/9/2014, trên nguyên tắc là để chấm dứt cuộc chiến giữa quân đội Ukraina và lực lượng ly khai, đã làm 5000 người thiệt mạng kể từ tháng Tư năm 2014.
Tuy nhiên, hòa ước này không có hiệu quả thực thụ, xung đột đẫm máu vẫn diễn ra, khiến Paris và Berlin phải nhấn mạnh trên việc thiết lập một cuộc hưu chiến thực thụ và lâu bền, cũng như việc triệt thoái vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự.
TRỌNG NGHĨA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét