Sự kiện cử tri ở quận Tân Bình (TP.HCM) tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng giải tỏa sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và thu hồi ngay đất sân golf để mở rộng sân bay, cho thấy công tác quản lý, quy hoạch đầu tư và phát triển sân golf hiện nay còn gây nhiều bất an.
Tình trạng tỉnh - thành nào cũng đề xuất xây dựng sân golf dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa, nơi này nơi khác xén đất nông nghiệp để làm sân golf, rồi dấy lên những hoài nghi về sân golf có thể gây ô nhiễm môi trường... Dường như những vấn đề về sân golf chưa bao giờ "lặng sóng"!
Trên thực tế, việc phát triển sân golf đã tạo nên môi trường đầu tư tốt, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch đến Việt Nam. Một số sân golf đã tạo công ăn việc làm cho lao động, hoàn thiện hạ tầng cảnh quan, thúc đẩy thu hút đầu tư, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, một sân golf thành công là phải lựa chọn địa điểm phù hợp, đáp ứng được những yêu cầu quản lý cũng như các mục tiêu của quốc gia và địa phương. Nhiều khu vực có sân golf phát triển trên những vùng đất hoang hóa, đất trống, đồi trọc, cồn cát ven biển..., trở thành những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và thu hút khách du lịch quốc tế.
Ngược lại, nếu việc đầu tư sân golf trên đất nông nghiệp đang khai thác hiệu quả như ở tỉnh Long An trước đây, trong các khu đô thị mà quỹ đất khan hiếm hay các vị trí trọng yếu mang tính chiến lược chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh quốc gia.
Một điều mà dư luận đặc biệt quan tâm là chuyện nhập nhèm giữa làm thể thao, phát triển du lịch với kinh doanh bất động sản.
Những người "trong nghề" biết rằng chỉ có lập dự án sân golf mới xin được nhiều quỹ đất một cách "hợp lý”. Bởi trung bình một sân golf 18 lỗ chiếm khoảng 80-100ha, cứ thế, khi lập dự án, các chủ đầu tư vẽ lên những dự án sân golf lý tưởng 36 lỗ, 54 lỗ... để sở hữu được diện tích đất kỳ vọng!
Sau khi được phê duyệt, nhiều chủ đầu tư triển khai hạ tầng, song song đó tiến hành thủ tục xin điều chỉnh mục đích sử dụng để chuyển từ golf sang khu đô thị hoặc khu phức hợp nghỉ dưỡng... Với chiêu lách luật này, nhiều dự án sân golf trở thành khu đô thị với giá trị sử dụng đất tăng lên gấp ngàn lần!
Sân golf Phan Thiết được Tập đoàn Rạng Đông mua lại của nhà đầu tư nước ngoài và ngay lập tức xin chuyển thành khu đô thị đã xảy ra cuộc xung đột giữa hội viên và ông chủ mới. Sự việc diễn ra trong một thời gian dài khiến cho truyền thông tốn nhiều giấy mực, cuối cùng "lá phổi xanh" của thành phố Phan Thiết vẫn bị biến thành khu đô thị trong nay mai.
Theo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ bổ sung thêm 28 sân golf vào quy hoạch với tổng diện tích đất xây dựng là 3.812ha, nâng tổng số sân golf đến năm 2020 lên 115.
Được biết, trên cả nước hiện nay có hơn 30 sân golf đi vào hoạt động, trong số đó có khoảng 3-5 sân golf hoạt động có lãi thuần túy từ dịch vụ golf, số còn lại sống nhờ vào các dịch vụ nghỉ dưỡng, bất động sản...
Không biết rồi đây sẽ còn bao nhiêu dự án sân golf trên cả nước được chủ đầu tư khoác áo mới theo "phiên bản" của sân golf Phan Thiết?
PHẠM SÔNG THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét