Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý trao quà từ Quỹ TLV Lao Động cho 12 nạn nhân.
Sáng 20.12, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Lý cùng lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng đã đến bệnh viện, thăm hỏi, trao quà của tổ chức CĐ đến 12 nạn nhân. Phó Chủ tịch Trần Văn Lý cho rằng, tổ chức CĐ phải nói lời cảm ơn các anh em công nhân, những biểu tượng của lòng quả cảm, sự can trường. Đặc biệt họ có một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, vào đồng đội, vào cộng đồng. “Họ đã chiến thắng nỗi sợ hãi, bình tĩnh, xử lý đúng để tự cứu mình trước khi lực lượng cứu nạn đưa ra ngoài”. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng động viên các công nhân cố gắng ăn uống, gìn giữ sức khỏe để tiếp tục lao động, sản xuất. Đặc biệt là những công nhân trẻ tuổi, sự trải nghiệm bất đắc dĩ này khiến họ trưởng thành, bản lĩnh hơn trong đời sống, công việc. Tại đây, ông Trần Văn Lý trao 60 triệu đồng từ Quỹ xã hội từ thiện TLV Lao Động đến 12 nạn nhân.
GS-TS Nguyễn Văn Khôi - GĐ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, người có mặt tại hiện trường vụ giải cứu 12 nạn nhân trong hầm thủy điện Đạ Dâng - cho biết, sức khỏe của mọi người hiện đều ổn định. Nếu chiều 19.12 không đào thông hầm, đưa kịp thời nạn nhân ra ngoài, hậu quả sẽ rất khó lường. Bởi, theo GS Khôi, do phải ở quá lâu trong môi trường ẩm lạnh, thiếu ôxy, ánh sáng, thiếu dinh dưỡng và đặc biệt là tâm lý hoảng sợ đã làm họ suy kiệt. Phần lớn đã bị tụt huyết áp, giảm thân nhiệt quá mức. Riêng nạn nhân nữ Đặng Thị Hồng Ngọc bị tụt canxi, tụt cali... nguy cơ trụy tim, liệt cơ...
GS Nguyễn Văn Khôi cũng cho biết, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Bộ chỉ huy tiền phương cứu hộ cứu nạn và Bộ Y tế để có sự chuẩn bị điều phối các lực lượng ứng cứu hợp lý, nên việc tổ chức đón người, sơ cứu rất ăn ý, kịp thời. Sơ cứu là bước quan trọng nhất, bởi nếu không phán đoán đúng tình huống và xử lý phù hợp, các nạn nhân có thể bị nguy hiểm hơn là lúc còn bị kẹt trong hầm tối. Riêng BV Chợ Rẫy TPHCM đã điều động hơn 10 y-bác sĩ có chuyên môn cao đến tại hiện trường.
Nạn nhân Phạm Xuân Đăng - CN lớn tuổi nhất (sinh 1963) - cho biết, sau khi xảy ra sự cố, trong hầm tối đen, các công nhân phải mò mẫm, kiểm đếm, gom người lại một chỗ. Nước ngập dần, trong hầm chỉ có 1 máy trộn bêtông nhỏ xíu, chỉ đủ 3-4 người đứng trên, còn lại phảm ngâm mình trong nước lạnh. Lo lắng quên cả buồn ngủ, thiếu đói. “Những ngày sau, khi nghe được tiếng đào đất huỳnh huỵch, chúng tôi tin chắc có người đến cứu mình. Khi mũi khoan tiếp viện đưa vào càng củng cố thêm niềm tin cho anh em chúng tôi. Đặc biệt khi đội cứu nạn đã luồn dây, đưa được ánh sáng điện vào bên trong. Chúng tôi mới thực sự thấy yên tâm, ấm lòng vì mọi người đã vì mình” - anh Đăng kể lại.
Các công nhân không phân biệt được ngày đêm, chỉ đến khi nghe tiếng đào đất ngày một gần, niềm tin mới càng tăng lên. “Rồi chợt vỡ òa sung sướng đến nghẹt thở khi những tia sáng mặt trời đầu tiên lọt vào bởi nhát đào thông hầm của lực lượng cứu hộ. Anh em chúng tôi biết chắc là mình đã sống” - nạn nhân Hoàng Ánh Văn cho biết. Nạn nhân nữ Đặng Thị Hồng Ngọc rất xúc động trước tình cảm đồng đội đã động viên, ủ ấm, chăm sóc mình trong suốt 4 ngày 3 đêm trong hầm tối. Chị Ngọc cho biết, rất cảm phục và biết ơn lực lượng cứu nạn, đồng bào cả nước đã quan tâm đến họ.
Chiều 20.12, LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng cũng tổ chức gặp mặt, giao lưu và trao số tiền 20 triệu đồng từ Quỹ TLV Lao Động cho 46 công nhân của 7 đơn vị, DN hầm mỏ đến từ Tập đoàn Than - Khoáng sản VN - những người tham gia trực tiếp đào hầm, giải cứu các nạn nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét