Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hội đàm về việc tăng cường hợp tác giữa 2 đối tác chiến lược truyền thống trong các lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, năng lượng và thương mại hôm 11-12.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở New Delhi hôm 11-12 Ảnh: REUTERS
Mục đích chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Putin, theo kênh Russia Today, là mở rộng quan hệ đối tác chiến lược và củng cố quan hệ kinh tế giữa 2 nước thông qua việc ký hơn 20 hiệp định giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Tại hội đàm, Tổng thống Putin khẳng định: “Mối quan hệ giữa 2 nước chúng ta đang phát triển theo mọi hướng”. Thủ tướng Modi cũng tuyên bố: “Nga là người bạn thân nhất và là đối tác chiến lược ưu tiên của Ấn Độ”.
Báo Vzglyad đưa tin ông Sergei Kiriyenko, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom, cho biết Moscow và New Delhi đã thỏa thuận về việc xây dựng ít nhất 12 nhà máy điện ở Ấn Độ trong 20 năm tới. Đáng chú ý là nhà lãnh đạo Cộng hòa Crimea thuộc Nga, ông Sergei Aksyonov, cũng đến New Delhi trong lúc Tổng thống Putin gặp Thủ tướng Modi. Theo Reuters, ông Aksyonov đã gặp giới doanh nhân Ấn để tìm thêm cơ hội làm ăn cho khu vực biển Đen.
Vào thời điểm Tổng thống Putin đến Ấn Độ đêm 10-12, Thủ tướng Modi viết trên mạng xã hội Twitter: “Thời gian thay đổi nhưng tình hữu nghị của chúng ta thì không”. Bình luận về mối quan hệ Nga - Ấn, báo The Times of India viết: “Ấn Độ là người bạn nhiệt tình và đầy tình cảm của Nga”.
Trong bối cảnh đó, GS Jean Christophe Gallien, thuộc Trường ĐH Sorbonne, viết trên tờ La Tribune rằng phương Tây phải làm tất cả những gì có thể để không bị Nga quay lưng và hướng về phương Đông. Theo ông, xét về mặt lịch sử, Nga luôn là chiếc cầu nối giữa châu Âu và châu Á, là láng giềng tự nhiên của các nước châu Âu. Do đó, ông nhận xét Tổng thống Pháp Francois Hollande đã làm đúng khi gặp Tổng thống Putin ở Moscow hôm 7-12.
Trong bản báo cáo về tình hình kinh tế thế giới và dự báo năm 2015 công bố hôm 10-12, Liên Hiệp Quốc nhận định lệnh trừng phạt Nga của phương Tây và các biện pháp đáp trả của Moscow đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế một số quốc gia châu Âu. Báo cáo nhấn mạnh tình hình ở Ukraine và dịch bệnh Ebola là các yếu tố mới làm chậm tăng trưởng kinh tế thế giới. Ngoài ra, các thách thức mới trong năm 2015 có thể là giá dầu và các cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Syria, Iraq.
Trong chương trình “Đối thoại với thủ tướng” được trực tiếp truyền hình hôm 10-12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã bình luận về lệnh trừng phạt của phương Tây khi đánh giá tình hình kinh tế đất nước. Theo ông, dưới tác động của lệnh trừng phạt, kinh tế Nga chịu thiệt hại hàng tỉ euro, trong khi châu Âu mất 40 tỉ euro năm nay và 50 tỉ euro năm 2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét