Chủ tịch Cuba Raul Castro (P) nói chuyện với Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez, tại Thượng đỉnh Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ, La Habana, 14/12/2014 REUTERS
Theo các nhà phân tích, chính là nhờ chính sách mang tính thực dụng của người em Raul Castro, mà Washington và La Habana nay đã chấm dứt hàng mấy thập niên thù địch căng thẳng.
Sau khi lên thay người anh cầm quyền vào năm 2008, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã dần dần có những lời lẽ bớt nặng nề hơn đối với Hoa Kỳ, khác hẳn với những bài diễn văn chống Mỹ của ông Fidel Castro.
Khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời của ông Fidel Castro, ông Raul Castro vẫn bị xem là thuộc thành phần cứng rắn của chế độ. Nhưng kể từ khi lên làm Chủ tịch Cuba, ông đã tiến hành một loạt cải tổ mà trước đây không ai nghĩ là La Habana có thể chấp nhận, chẳng hạn như mở cửa một phần sang nền kinh tế thị trường, cho người dân được tự do ra nước ngoài mà không cần giấy phép của chính quyền.
Đồng thời, ông Raul Castro cũng đã tuyên bố sẽ đối thoại “trên cương vị bình đẳng với Hoa Kỳ”. Kể từ mùa xuân năm 2013, Chủ tịch Cuba đã mở các cuộc thảo luận bí mật với các giới chức Mỹ dưới sự bảo trợ của Canada.
Theo ý kiến của một nhà ngoại giao Châu Mỹ Latin, được hãng tin AFP trích dẫn hôm 18/12, ông Raul Castro đã chấp nhận những nhân nhượng cần thiết để hai nước, Mỹ và Cuba, có thể xích lại gần nhau. Nhà ngoại giao này cho biết việc trả tự do cho ba gián điệp Cuba và cho hai tù nhân mà Hoa Kỳ đòi thả, chỉ là phần nổi của thỏa thuận giữa Washington với La Habana, tức là còn nhiều nhân nhượng và cam kết khác nữa.
Một trong những yếu tố dẫn đến việc Hoa Kỳ và Cuba xích lại gần nhau đó là quyết định của ông Raul Castro mở một kênh ngoại giao với Vatican, trong khi trước đây ông Fidel Castro vẫn có thái độ rất lạnh nhạt với Tòa Thánh.
Hôm 17/12, Chủ tịch Castro đã đặc biệt cám ơn Vatican, nhất là cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã hỗ trợ cho Cuba trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ.
Nhưng đồng thời, Raul Castro tỏ ra kiên quyết trên những vấn đề như lệnh cấm vận, mà ông vẫn cực lực lên án. Chủ tịch Cuba cũng dứt khoát không nhân nhượng trên những vấn đề mà theo ông là chuyện nội bộ của nước này, chẳng hạn như mở cửa chính trị hoặc nhân quyền.
Trong bài diễn văn hôm 17/12, ông Raul Castro đã nhấn mạnh: “Chúng ta đã vẫn trung thành với những người đã ngả xuống để bảo vệ những nguyên tắc độc lập”. Chủ tịch Cuba còn khẳng định rằng lập trường của La Habana đối với Washington đã không thay đổi chút gì so với thời ông Fidel Castro.
Thậm chí, trong cuộc họp Thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Châu Mỹ Latin và Vịnh Caribê, hồi tháng Giêng vừa qua ở Cuba, ông Raul Castro đã huy động được toàn bộ khối này thông qua một nghị quyết lên án Hoa Kỳ. Các nước này cũng đã dọa sẽ tẩy chay hội nghị Thượng đỉnh Châu Mỹ vào tháng 4/2015 ở Panama, nếu Cuba tiếp tục bị Washington cô lập.
Tóm lại, có thể nói việc Hoa Kỳ và Cuba xích lại gần nhau là thắng lợi của cá nhân ông Raul Castro, nhưng nó cũng đánh dấu chủ nghĩa cứng nhắc không còn phù hợp với xu thế đối thoại hiện nay, RFI bình luận.
THANH PHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét