Vượt khó
Tham dự AFF Cup 2014, HLV Kiatisak kiên quyết loại bỏ những ngôi sao mà ông cho là không phù hợp như Thonglao, Teeratep Winothai, hay Teerasil Dangda. Bù lại, “Zico Thái” đặt trọn niềm tin vào lứa U23, những học trò đã giúp ông có một kỳ ASIAD thành công.
Lựa chọn ấy mang tới hiệu quả đặc biệt suốt từ vòng bảng cho đến tận trận chung kết lượt đi. Quyết tâm và khát khao cống hiến của các cầu thủ trẻ giúp Thái Lan liên tục giành được những kết quả có lợi.
Trước trận chiến cuối cùng với người Mã, “Những chú voi” cũng được đánh giá ở thế cửa trên. Tương tự như trường hợp của ĐTVN, Thái Lan cũng gần như hoàn thành nhiệm vụ chỉ sau trận lượt đi khi vượt qua “Những chú hổ” với tỷ số 2-0.
Tuy nhiên, khả năng ngược dòng đáng nể của Malaysia khiến thầy trò HLV Kiatisak rơi vào thế khó. Trước sức ép của 100.000 khán giả tại Bukit Jalil, họ bị dẫn ngược với tổng tỷ số 2-3. Trên băng ghế chỉ đạo, HLV Kiatisak gần như đoạn tuyệt với quyền thay người, và ông chỉ thúc giục các học trò dồn lên tấn công trong hiệp 2.
Cầu thủ chơi tồi nhất tối 20/12, tiền đạo Adisak không bị rút ra. Kroekrit, người bỏ lỡ rất nhiều cơ hội kể từ đầu trận vẫn tiếp tục được giữ trên sân tới tận phút 90. Còn Chappuis, người được mệnh danh là “Ronaldo Thái Lan” mất hút gần như trong cả trận đấu.
Rốt cuộc những lựa chọn của cựu danh thủ HAGL đã đền đáp sự tin tưởng của ông. Chappuis ghi bàn san bằng tỷ số 3-3, trước khi Adisak mớm bóng rất vừa tầm cho Chanathip ấn định chiến thắng cho người Thái.
Cùng bị sự già dơ của người Mã làm khó nhưng Thái Lan đã không giẫm vào vết xe đổ của ĐTVN. Họ giữ vững được tinh thần, trước khi sử dụng những miếng đánh của chính người Mã (đá phạt, phản công) để “trả đũa”.
Chất xám Nhật Bản
Thái Lan đẳng cấp với dàn cầu thủ dạn dày kinh nghiệm, nhưng thành công có lẽ sẽ không đến với họ nếu thiếu đi “chất xám” từ xứ mặt trời mọc. Ngay từ những ngày đầu nắm quyền ở ĐTQG, HLV Kiatisak đã kiên trì với phương pháp của người Nhật trong việc toàn quyền quyết định lựa chọn nhân sự.
Chiến lược gia 41 tuổi cũng thổi một luồng gió mới vào lối chơi của Thái Lan. Giống như HLV Miura, ông luôn yêu cầu các học trò nâng cao thể lực, chơi bóng ít chạm, nỗ lực sút xa, và cải thiện tốc độ trong những pha phản công. Chính nhờ một loạt thay đổi mang hơi hướng Nhật Bản mà ĐKVĐ AFF Cup đã thắng đậm Philippines 3 bàn không gỡ, dù thiếu vắng 2 tiền đạo chủ lực.
Bên cạnh đó, LĐBĐ Thái Lan và các CLB ở Thai League cũng thường ưu tiên sử dụng HLV và cầu thủ Nhật Bản. GĐKT của LĐBĐ Thái Lan là ông Ichiro Fujita, cựu thành viên Ban Quốc tế của LĐBĐ Nhật Bản và là một chuyên gia kỳ cựu của AFC trong lĩnh vực phổ cập và phát triển bóng đá ở những nền bóng đá còn chưa phát triển.
Á quân Thai League, Chonburi có HLV trưởng là một người Nhật – ông Masahiro Wada. Còn cựu HLV thủ môn của ĐT Nhật Bản, Yoshio Kato được mời lên ĐT Thái Lan làm HLV thủ môn.
Nếu như LĐBĐ Việt Nam mới chỉ thực sự làm việc với người Nhật trong vòng nửa năm trở lại đây thì người Thái đã có những chuyên gia hàng đầu từ rất lâu. Chính những thay đổi ấy đã mang lại đăng cấp thực sự cho ĐT Thái Lan, giúp họ chơi ngang ngửa với các đội bóng hàng đầu châu lục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét