Nhóm cổ đông mới của Ngân hàng Quốc Dân (NCB) lập tức được chú ý khi đặt ra nhiều mục tiêu to lớn, với kỳ vọng hồi sinh một cơ thể ốm yếu.
Nhưng sau một năm tái cấu trúc, diện mạo Ngân hàng Quốc Dân vẫn chưa thể thay đổi đúng như kỳ vọng của ban lãnh đạo mới.
Tăng quy mô, giảm lợi nhuận
Thực tế cho thấy, ban lãnh đạo mới đã tạo nên một số chuyển biến đáng ghi nhận từ khi điều hành, nhất là với quy mô.
Sau 9 tháng, báo cáo tài chính của NCB cho thấy, tổng tài sản ngân hàng đã đạt khoảng 33,9 nghìn tỉ đồng, vượt mục tiêu cả năm 2014. Chỉ tiêu huy động cũng đạt thành quả tương tự. Số tín dụng cho vay tăng 20% so với cùng kì 9 tháng, nhưng nếu nhìn vào mục tiêu tăng 46% cả năm thì vẫn còn khá xa.
Các con số này cho thấy ban lãnh đạo NCB khá thích thú vấn đề tăng quy mô. Bởi lẽ, trong hàng loạt các mục tiêu tái cấu trúc, chuyển biến về quy mô là có thể thấy rõ nhất. Các khoản huy động và cho vay đều tăng tốt nhưng thu nhập lãi thuần lại chỉ tương đương năm ngoái. Ngoài chuyện mặt bằng lãi suất chung giảm, có thể NCB hạ lãi suất cho vay để đẩy mạnh mục tiêu cho vay.
Ngược với diện mạo bên ngoài, hiệu quả hoạt động nhìn từ chỉ tiêu lợi nhuận lại cải thiện không mấy khả quan. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng chỉ đạt khoảng 12 tỉ đồng, thấp hơn cả cùng kì. Trong khi đó, ban lãnh đạo mới lại muốn kiếm đến 96 tỉ đồng trong năm 2014 này.
Nếu so với Ngân hàng Đại Chúng (PVCombank), chỉ tiêu lợi nhuận vượt 5% kế hoạch sau một năm tái cơ cấu (đến tháng 10/2014), thì rõ ràng, NCB đang chậm chân hơn.
Đáng chú ý nhất là nợ xấu. Cuối năm 2013, NCB còn hơn 6% trong tổng dư nợ và hy vọng đưa “cục đá” này về 3%. Nhưng kết quả công bố sau 9 tháng năm 2014 cho thấy, con số 4,9% nợ xấu của NCB vẫn cao nhất trong các ngân hàng và cách khá xa kỳ vọng. Mục tiêu giảm thêm 1,9% nợ xấu trên tổng dư nợ đang tăng nhanh của NCB đến cuối năm nay vẫn còn không ít khó khăn.
Tăng tín dụng cho vay thể hiện nỗ lực khá hiệu quả của NCB trong việc tiếp cận khách hàng với một hình ảnh mới. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm lại cho thấy mối lo khác, cũng là vấn đề chung của nhiều ngân hàng. Đó là khả năng quản lý dòng vốn kém hiệu quả. Khi sự chênh lệch tăng trưởng giữa hai con số cho vay và lợi nhuận càng lớn, như hiện nay, nguy cơ đối mặt với “bóng ma” Nam Việt của NCB càng lớn.
Trọng tâm mới
Dịch vụ ngân hàng bán lẻ là chiến lược trọng điểm giai đoạn 2014-2018, được ban lãnh đạo mới của NCB đưa ra và quyết tâm theo đuổi từ cuối năm 2013.
Theo số liệu công bố trên website chính thức, NCB đã có 91 điểm giao dịch trên toàn quốc. NCB đang nỗ lực đưa các phòng giao dịch về trung tâm các tỉnh và thành phố, như ở Bình Dương, Thái Nguyên, TP.HCM… Tuy hệ thống chi nhánh thuộc hàng ít nhất trong số 37 ngân hàng nhưng NCB đã có một khởi đầu khá tốt cho chiến lược bán lẻ.
Theo quan sát của người viết tại một điểm giao dịch, tuy nhân viên tín dụng có vẻ chưa mặn mà với khách hàng cá nhân “nhỏ”, nhưng những nhân viên tiếp nhận khách hàng lúc nào cũng tỏ ra niềm nở. Mở tài khoản mới tại NCB mất khoảng 15 phút. Cũng chừng đó thời gian thì tin nhắn được gửi đến điện thoại khách hàng để xác nhận và cung cấp thông tin thêm. Tuy không nhanh bằng các ngân hàng bán lẻ hàng đầu, như Sacombank chẳng hạn, chỉ mất cỡ 5 phút, nhưng hiệu quả khởi đầu này là đáng ghi nhận.
Chủ tịch NCB là ông Vũ Hồng Nam, từng là Phó chủ tịch của Tập đoàn Gami, có trụ sở tại Hà Nội. Ông chủ Gami, đơn vị đầu tư kinh doanh ô tô, bất động sản và thực phẩm, là ông Nguyễn Tiến Dũng.
Tại Đại hội Cổ đông NCB hồi tháng 4/2014, ông Dũng xuất hiện sau tin đồn là người nhận chuyển nhượng số cổ phần tại Navibank từ ông Đặng Thành Tâm. Ông Dũng từng giữ chức Giám đốc chi nhánh và Tổng Giám đốc vài ngân hàng cách nay hơn 10 năm.
Đứng dưới góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP) cho rằng, NCB và các ngân hàng cùng hạng đều có một điểm chung. “Họ thiếu vốn, năng lực, thương hiệu…”, ông lý giải. Vì vậy, khả năng sáp nhập với các ngân hàng khác không phải là không thể đặt ra. Đó là giải pháp được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới có hệ thống ngân hàng ổn định, ông nói.
Dù sao, một năm là khoảng thời gian chưa đủ dài để đánh giá hiệu quả một nhiệm vụ khó khăn, vì NCB đi lên từ một cơ thể ốm yếu. Hiện tại, NCB dường như khó mong chạy đua với ngân hàng khác, tồn tại là yêu cầu trên hết.
Sức khỏe sắp tới của NCB thế nào, còn tùy thuộc vào năng lực ban lãnh đạo và cổ đông chính của ngân hàng này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét