Bác sĩ Thông kể cho tôi nghe những câu chuyện về nghề của mình ngay trong phòng giải phẫu bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy. Căn phòng dù đã được bố trí quạt hút gió nhưng mùi xylen và formol vẫn nồng nặc. Người không quen có thể bị nhức đầu và choáng. Thấy tôi bước đi liêu xiêu, một bác sĩ trẻ nói đùa: “Bác sĩ ở đây, ngày nào mình không ngửi mùi ấy thì chắc là… ăn cơm không ngon”. Đó chỉ là lời nói đùa đầy lạc quan, nhưng câu nói đùa ấy có lẽ toát lên phần nào không gian làm việc của một bác sĩ giải phẫu bệnh - nơi bác sĩ Trần Minh Thông gắn bó hơn 32 năm qua. Đến nỗi chiếc áo blouse ông mặc, tôi nghe phảng phất cái mùi hương ấy.
Hơn 32 năm qua, thứ mà bác sĩ Trần Minh Thông phải tiếp xúc nhiều nhất là mẫu bệnh phẩm và tử thi để tìm ra nguyên nhân, bản chất của bệnh tật. Kết luận của một bác sĩ giải phẫu bệnh là cơ sở để bác sĩ lâm sàng chọn phương pháp điều trị cho các bệnh nhân. Đôi khi, những kết luận đó lại là mấu chốt quan trọng của các vụ án. Hoặc dựa trên những kết luận của bác sĩ giải phẫu, ngành y tế thành lập được sơ đồ bệnh tật để đưa ra được định lượng thuốc, vaccine, thiết bị y tế… nhập về mỗi năm.
Bác sĩ Trần Minh Thông chợt nhớ những năm sau giải phóng, người Bắc ồ ạt đổ vào miền Nam và Tây Nguyên đi kinh tế mới. Khi ấy, những vùng đất này vẫn còn là nơi “rừng thiêng nước độc”. Hàng ngàn người dân di cư chết vì bệnh sốt rét. Tình thế buộc Bộ Y tế phải tìm ra nguyên nhân. Do đó, tất cả bệnh nhân tử vong vì bệnh sốt rét đều phải được mổ tử thi để nghiên cứu.
Đêm ấy, bác sĩ Trần Minh Thông đang mổ xác của một ông cụ chết vì sốt rét. Bất ngờ, người con trai ông cụ đạp cửa phòng giải phẫu, lăm lăm khẩu súng trên tay, hét lớn: “Ông mà mổ là tôi bắn”. Thấy gương mặt đằng đằng sát khí của anh ta, bác sĩ Thông vội vứt dao chạy ra cửa sau, mãi đến khuya mới dám quay lại tiếp tục công việc. Sau khi mai táng cho cha xong, anh thanh niên bỗng quay lại bệnh viện xin lỗi bác sĩ. Chuyện là anh đang đi bộ đội, nghe tin cha mất đã xin về nhìn mặt cha lần cuối. Vừa về đến nhà, người nhà anh kể rằng “có ông bác sĩ đang mổ banh cả xác ông cụ ra kia kìa”. Anh tức giận lắm nên quyết định gí súng vào bác sĩ để hỏi tội. Nhưng sau đó, bệnh viện trả lại xác cha anh trong trạng thái lành lặn, những chỗ mổ đã được khâu lại thẳng thớm. Xác ông cụ lại được bác sĩ ướp chất bảo quản, trả về trong chiếc quan tài trang trọng. Anh hiểu ra câu chuyện, bắt tay bác sĩ Thông cười hì hì: “May mà bác chạy nhanh chứ không chắc tôi bắn bác thật, tôi mang tội cả đời”.
Người trọng tài thầm lặng
Là một bác sĩ giải phẫu bệnh, có lúc Trần Minh Thông lại trở thành người trọng tài bất đắc dĩ khi mà phải chỉ ra sự thật. Rằng cái chết của bệnh nhân do bệnh tật hay do sự tắc trách, thờ ơ và cũng có thể là do chuyên môn yếu kém của bác sĩ – những đồng nghiệp của ông.
Ông kể về một câu chuyện xảy ra tại bệnh viện Chợ Rẫy cách đây vài năm. Có một bệnh nhân lớn tuổi nhập viện vì bệnh nhồi máu cơ tim. Sau một thời gian được điều trị, bệnh nhân đã ổn định và được làm thủ tục để xuất viện. Nhưng trớ trêu thế nào, trước ngày được xuất viện, ông cụ chết ngay tại bệnh viện. Vậy là người nhà bệnh nhân đang từ vui mừng chuyển sang phẫn nộ. Họ kéo nhau lên khoa Tim mạch, đòi bác sĩ điều trị phải chịu trách nhiệm. Bác sĩ điều trị xem lại toàn bộ hồ sơ bệnh án và giải thích cho người nhà biết, bệnh nhân đột tử vì xuất huyết não. Giải thích này của bác sĩ càng khiến người nhà tức giận: “Tại sao cha tôi bị tim mạch mà bác sĩ chẩn đoán ông cụ chết vì xuất huyết não”.
Đang trong lúc tranh cãi thì xác bệnh nhân được chuyển ngay xuống phòng làm việc của bác sĩ Thông. Ông chẳng biết câu chuyện phía sau cái xác này mà chỉ làm việc với một từ khóa “nguyên nhân cái chết”. Sau khi mổ bụng, ngực và đầu tử thi, ông kết luận bệnh nhân chết vì xuất huyết não. Ông chạy lên khoa tim để thông báo kết quả xét nghiệm trên tay. Vừa bước đến hành lang, ông đã bắt gặp một đám người đứng đó, mặt đằng đằng sát khí. Người con trai của ông cụ cầm dao lăm lăm trong tay bỗng chĩa về phía ông: “Ai cho ông mổ xác cha tôi?”. May mà người nhà kịp can ngăn người đàn ông này. Trong lúc đó, bác sĩ Thông phải tìm ra những lời đắt giá nhất để vừa xoa dịu người nhà, vừa chứng minh cái chết của ông cụ đúng là do xuất huyết não. Ngày hôm sau, người nhà một lần nữa kéo đến bệnh viện. Nhưng lần này, họ đến để xin lỗi bác sĩ điều trị vì đã trách nhầm ông. Bác sĩ điều trị chẳng hiểu vì sao tình thế lại “xoay chuyển” nhanh như vậy. Mãi sau, trong một cuộc họp ở bệnh viện, ban giám đốc nhắc lại sự việc, bác sĩ này mới biết bác sĩ Trần Minh Thông nói chuyện rất lâu với người nhà để minh oan cho mình.
Một lần khác, vào năm 1990, liên quan đến một thanh niên tử vong không rõ nguyên nhân. Anh thanh niên này bị sốt rất nặng và đến khám tại một phòng mạch tư. Bác sĩ phòng mạch chẩn đoán anh bị sốt rét nên cho truyền nước biển. Vừa truyền được một lúc thì bệnh nhân bỗng lên cơn rét run. Nghĩ là bệnh nhân bị sốc dịch truyền nên bác sĩ vội vã rút dây truyền dịch, gọi xíchlô đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở TPHCM. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được truyền dịch nhưng sau đó đã tử vong. Các bác sĩ bệnh viện chẩn đoán nguyên nhân tử vong do sốc phản vệ. Thấy con chết, bà mẹ của thanh niên này làm đơn kiến nghị, yêu cầu công an làm rõ nguyên nhân tử vong của con. Bác sĩ Trần Minh Thông được trưng cầu tham gia mổ tử thi. Phân tích của ông cho thấy, bệnh nhân tử vong do bệnh cúm ác tính phổi, viêm phổi siêu vi không phải do sốc dịch truyền. Vậy là khi ông đưa ra kết luận này, rất nhiều đông nghiệp thân thiết của ông làm ở bệnh viện kia đã phản đối và giận ông mất vài năm trời vì… không chịu đứng về phía đồng nghiệp.
Bác sĩ Trần Minh Thông cười bảo, ông chỉ muốn “hồn nhiên” làm việc bên những mẫu bệnh phẩm, mẫu tử thi với những từ khóa, câu lệnh ngắn ngủi như: “nguyên nhân cái chết”, “bản chất bệnh tật”. Và buộc lòng ông chỉ được tin vào kết luận giải phẫu của mình. Còn những câu chuyện phía sau của bệnh nhân, của đồng nghiệp ông nên được biết sau cùng. Bản thân ông chẳng muốn day dứt hay phải phân tâm xem mình sẽ đứng về phía ai.
Bài học từ xác chết
Tốt nghiệp đại học luật và nắm trong tay tấm bằng thạc sĩ kinh tế học, nhưng cuối cùng bác sĩ Trần Minh Thông chọn chuyên ngành bác sĩ giải phẫu bệnh để theo đuổi mấy chục năm trời. Ông thú thật, cũng có lúc mình chạnh lòng. Vợ ông cũng là bác sĩ, nhưng ban đầu cũng không hiểu tại sao chồng mình lại “đam mê xác chết” đến vậy.
Xung quanh mình là xác chết, những ngày mới vào nghề, ông không tránh khỏi những ám ảnh. Hồi mới bắt đầu công việc, mỗi đêm, ông còn để một hai nhân viên phụ mổ với mình. Nhưng sau, sợ phiền họ nên ông bảo họ cứ về nghỉ, để ông lại phòng một mình. Nhớ mãi cái đêm năm nào, tiếng “két” của cánh cửa xác nhận người nhân viên cuối cùng bước ra khỏi phòng giải phẫu. Ông bất giác rùng mình, giờ chỉ còn ông với 6 cái xác, trong số này ai đã chết oan?. Nhưng rồi, đêm này qua đêm khác, ông bình tĩnh đối mặt với cái cảnh có phần ma quái ấy. Đêm, lạnh, bác sĩ và xác chết.
Ông cười hiền kết luận, ông thích công việc hiện tại, vì công việc đó là một sự kết nối thiêng liêng. Kết nối kiến thức, kết nối sự thật và kết nối… sự bao dung. Khi nhìn vào kết luận khám nghiệm tử thi hay một mẫu bệnh phẩm, có lẽ, người bác sĩ nào cũng phải bỏ qua sự sĩ diện, kiêu căng để nhìn nhận vào cái khiếm khuyết của chính mình. Hay từ những kết luận này, người nào đó được giải oan, một tội ác được phơi bày… Công việc ấy làm cho những cái chết không trở nên vô nghĩa, như quan niệm xương máu của ngành giải phẫu bệnh “cái chết là quà tặng cho sự sống”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét