Nợ xấu được ví là “vật ngáng đường” của dòng chảy vốn, khiến nền kinh tế khó lấy lại đà tăng trưởng và cần xử lý nhanh. Vì vậy, một khoản tiền tươi từ ngân sách rót ra cũng là hợp lẽ, nhưng khoản tiền đó đổ vào đâu để mang lại hiệu quả cao nhất thì phải tính, chứ không nhất thiết phải là xử lý nợ xấu cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Vì sao lại là doanh nghiệp nhà nước?
Trong báo cáo về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ trình lên Ủy banThường vụ Quốc hội mới đây, bất ngờ có kiến nghị xem xét dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của các DNNN.
Theo tính toán của các chuyên gia thì nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực DNNN năm 2012 khoảng hơn 73.000 tỷ đồng (bao gồm các khoản nợ của Vinashin). Các khoản nợ xấu này cũng được đánh giá là rất khó giải quyết bởi giá trị đã giảm mạnh do kinh tế gặp khó khăn.
Vì vậy, các khoản nợ của DNNN vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn...
Mặc dù đây mới chỉ là đề xuất, còn phải đợi ý kiến của Bộ Tài chính xem có thể cân đối được ngân sách hay không và Quốc hội có thông qua phương án này không, nhưng đã vấp phải nhiều ý kiến phản biện.
Đồng tình rằng nợ xấu tắc lắm, không có tiền tươi sẽ rất khó thông, không có lối thoát, nhưng tại sao lại là DNNN mà không phải là doanh nghiệp tư nhân hay những khoản nợ xấu có triển vọng nhất?
Lý giải về đề xuất này của Bộ Kế hoạch và đầu tư, TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính quốc gia, cho rằng không thể dùng ngân sách đại trà tràn lan được. Vì ngân sách hạn hẹp, nên đối tượng xử lý nợ xấu cũng sẽ là DNNN.
Nhưng ngân sách thực tế là tiền thuế của dân, doanh nghiệp tư nhân đóng góp tốt cho tăng trưởng của nền kinh tế sao lại không được ưu tiên xử lý nợ xấu để nền kinh tế phục hồi?
“Đúng là ngân sách là tiền thuế của dân nhưng Nhà nước đã quản rồi. Việc lựa chọn DNNN vì đây là doanh nghiệp của họ”, ông Kiêm giải thích thêm.
Cách nghĩ này không sai, DNNN bao giờ cũng phải được ưu tiên hơn so với khu vực doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay, cần gấp rút xử lý nợ xấu để khơi thông dòng chảy của vốn, kích thích nền kinh tế tăng trưởng và nguồn ngân sách eo hẹp thì cần phải tính đến bài toán hiệu quả.
Cuộc chơi sẽ không cân sức
Tuy vậy, ông Kiêm cũng cho rằng, nếu có dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu cho DNNN thì cũng phải tính đến những dự án hiệu quả chứ không thể đổ tiền tràn lan được.
“Những khu vực sai phạm, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của các DNNN như Vinalines với cái ụ nổi 83M, sai phạm tài chính ở Vinashin, Agribank với sai phạm trong hoạt động tín dụng hàng nghìn tỷ đồng… chắc chắn là không được chi tiền ngân sách để xử lý nợ xấu. Điều này sẽ không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn là đổ vốn vào nơi không hiệu quả”, ông Kiêm bình luận.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng việc dùng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu cũng là hợp lý, tuy nhiên, để dành xử lý nợ xấu cho DNNN thì không hợp lẽ bởi 2 lý do.
Thứ nhất, nợ xấu của các DNNN chủ yếu nằm ở các ngân hàng thương mại Nhà nước và nhiều khoản nợ có liên quan đến sai phạm trong hoạt động kinh doanh. Nên xét về hiệu quả sử dụng vốn thì việc đổ tiền vào đây là chưa đúng địa chỉ.
“Trước đây, chính những doanh nghiệp này đã làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của ngân sách nhà nước, nay lại đổ tiền vào giúp họ xử lý nợ xấu sẽ khiến dư luận bất bình và mục tiêu kích thích nền kinh tế tăng trưởng sẽ khó đạt được”, ông Hiếu bình luận.
Theo ông Hiếu, nếu có một khoản tiền dành cho xử lý nợ xấu, chúng ta nên ưu tiên cho khu vực doanh nghiệp tư nhân và những dự án hiệu quả. Với việc sử dụng vốn vay hiệu quả, quản trị tốt hơn DNNN sẽ góp phần kích tích tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, việc chỉ xử lý nợ xấu cho DNNN sẽ vô tình tạo ra sự đối xử bất công trong hệ thống ngân hàng. Bởi vì, khi xử lý những khoản nợ xấu cho DNNN thì một nhóm ngân hàng chuyên cho vay khách hàng này, mà chủ yếu là mấy ngân hàng thương mại Nhà nước, sẽ giảm được tỷ lệ nợ xấu. Điều này sẽ là bất công cho những ngân hàng khác.
“Giảm được nợ xấu trong thời điểm này có ý nghĩa rất lớn với các ngân hàng, vì không phải trích lập dự phòng, họ sẽ có thêm một khoản tiền để cho vay. Quan trọng hơn, họ không phải mất chi phí cho khoản tiền nằm chết một chỗ không có khả năng sinh lời. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho họ trong việc tăng lợi nhuận do giá vốn vào được giảm xuống mà lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên”, ông Hiếu phân tích.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai, cho biết dự tính năm 2014 thu ngân sách sẽ vượt dự toán khoảng 9%, nhưng vẫn không cân đối được nguồn để tăng lương cho năm 2015 vì có 3 việc cần phải làm ngay, đó là, trả nợ nước ngoài, bù giảm thu ngân sách cho địa phương và chi cho an sinh xã hội.
Nói như vậy, khả năng để cân đối một khoản cho xử lý nợ xấu sẽ rất khó khăn và nếu có thì cũng sẽ là giảm bớt nguồn chi cho một khoản nào đó. Nếu như vậy, việc sử dụng nguồn vốn này để xử lý nợ xấu sao cho hiệu quả là việc cần phải tính toán kỹ càng.
Theo ông Hiếu, để vừa có thể công bằng, vừa sử dụng vốn hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu, Chính phủ có thể tính đến phương án chọn những gói nợ xấu có hiệu quả, doanh nghiệp có khả năng phục hồi, trả nợ… của tất cả các ngân hàng thương mại. Như vậy, hiệu quả đạt được sẽ rất khả quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét