Vi khuẩn gây sốt mò - Orientia tsutsugamushi (trước kia gọi là Rickettsia orientalis hoặc R. tsutsugamushi) - là vi khuẩn Gram (-), ký sinh nội bào. Orientia bắt màu Giemsa hoặc Gimenez, mọc trong túi thể vàng của phôi gà và một loạt các dòng tế bào nuôi cấy.
Bệnh sốt mò: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa.
Các chủng orientia có tính chất kháng nguyên rất đa dạng, do có sự khác biệt trong cấu trúc của các protein vỏ. Sự khác biệt về mặt kháng nguyên của các chủng orientia có thể xác định bằng các phương pháp huyết thanh học và kỹ thuật sinh học phân tử.
Ba chủng orientia cổ điển là Karp, Kato và Gilliam; ngoài ba chủng này, đã có hơn 30 chủng huyết thanh khác được xác định.
Sốt mò là bệnh của động vật, chủ yếu là các động vật gặm nhấm và các động vật có xương sống nhỏ khác thuộc lớp thú. Một vùng địa lý có thể có nhiều chủng orientia cùng tồn tại. Tính đa dạng này có vai trò quan trọng trong dịch tễ học của sốt mò tại địa phương.
Việt Nam nằm trong vùng lưu hành của sốt mò. Các loài chuột và thú nhỏ - vật chủ ký sinh của ấu trùng mò Leptotrombidium - có mặt đông đúc và phân bổ rộng rãi ở nước ta; mò L .deliense cũng được phát hiện ở hầu hết các vùng lãnh thổ với mật độ cao.
Người bị nhiễm sốt mò khi rơi vào vòng lưu hành tự nhiên của bệnh và bị ấu trùng mò đốt. Sau khi xâm nhập qua da, orientia nhân lên tại chỗ, tạo thành nốt sần, tiến triển thành nốt phỏng và vết loét hoại tử có vảy. Trong cơ thể người, orientia phát triển trong các tế bào nội mạc các mạch máu nhỏ ở tất cả các cơ quan và phủ tạng như phổi, gan, lách, thận, não, tim, gây tổn thương và biểu hiện ở các cơ quan này.
Triệu chứng của bệnh sốt mò
Bệnh sốt mò rất khó đoán, thường nhầm với bệnh khác, đến khi phát hiện ra thì đã muộn. Bệnh biểu hiện bằng sốt li bì, phát ban và nổi hạch. Nếu không được điều trị bệnh sẽ có những biến chứng nặng, tổn thương nhiều cơ quan nội tạng dễ dẫn đến tử vong.
Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6 ngày đến 21 ngày (trung bình từ 9 đến 12 ngày).
Thời kỳ khởi phát bệnh có thể đột ngột hoặc bán cấp, sau một vài ngày mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ.
Thời kỳ toàn phát: thường gặp sốt, vết loét ngoài da, phát ban, sưng hạch lymphô, tổn thương ở các cơ quan và phủ tạng.
Cách phòng ngừa bệnh sốt mò
Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi rậm và cây thấp. Người có thể bị đốt trong các điều kiện sau: Sinh hoạt lao động trong ổ dịch, phát rẫy làm nương, đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ, để mũ nón, buộc võng vào gốc cây…
Do đó để phòng bệnh cần giữ gìn vệ sinh nơi ở, phát quang bui rậm quanh nhà, phun thuốc diệt mò… Khi đi làm rẫy, phát nương, đi rừng cần mặc quần áo dài tay có dây chun buộc chặt ở ống quần, mang giầy, đội mũ; tránh ngồi, nằm, phơi quần áo đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Khi đi về nên thay đồ ngay và tắm rửa sạch sẽ, không nên mặc đi lại nhiều lần.
Phương Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét