Một góc khu di tích Công tử Bạc Liêu ở TP Bạc Liêu (Ảnh: Xuân Hải)
Bên ly cà phê, trong khuôn viên của Khu di tích Công tử Bạc Liêu được nghe đích thân ông Trần Trinh Đức (68 tuổi), con trai thứ ba của ông Trần Trinh Huy – Công tử Bạc Liêu còn gọi là cậu Ba Huy, kể về những giai thoại, chơi ngông của vị công tử gọi là cậu Ba Huy mới thấy được sự giàu sang của gia đình người từng giàu nhất Nam Kỳ Lục Tỉnh này.
Khi kể chuyện về ba mình, ông Đức cũng chỉ nói: Ba tôi - Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy (1900 – 1974) là người hào hoa, phóng khoáng nên sau 3 năm du học ở Pháp ông càng xem trọng phụ nữ hơn. Đối với ông, nam nữ phải bình đẳng, ông cho rằng phụ nữ Việt Nam không bó buộc trong bốn bức tường của căn nhà mà họ phải ra ngoài xã hội học hỏi cách giao tiếp như những quý bà ở nước ngoài.
“Ở đồng bằng sống Cửu Long, ba tôi là người khởi xướng đầu tiên về cuộc thi đấu xảo sắc đẹp, hoa hậu miệt vườn. Vào thời kỳ ấy, khi ba tôi đưa ý tưởng như vậy nhiều người còn cho ba tôi là sống quá phóng túng”, ông Đức cho hay.
Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy
Cũng theo ông Đức thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước ta, ba ông vốn sinh ra trong một gia đình giàu nhất xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh nên chỉ quan tâm đến các vũ trường, quán bar hoặc các sòng bạc chớ ba ông không tham gia bất cứu một hoạt động chính trị nào.
Với vai trò là hướng dẫn viên của khu di tích Công tử Bạc Liêu, ông Đức rất nhiệt tình chỉ cho du khách xem từng tấm ảnh của những người thân trong gia đình, đặc biệt là về bức ảnh đen trắng chụp chân dung của Công tử Bạc Liêu lịch thiệp trong bộ com - lê.
Ngoài làm hướng dẫn viên ông Đức còn bán cuốn sách Công tử Bạc Liêu, tuyển tập của nhà văn Nguyên Hùng để giới thiệu cho du khách hiểu rõ hơn về con người của Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy, ba của ông.
Ông Trần Trinh Đức (con trai thứ 3 của Công tử Bạc Liêu (Ảnh: Xuân Hải)
Trong cuốn sách này, nhà văn Nguyên Hùng cũng nêu rất chi tiết về cuộc sống ăn chơi, phóng túng của vị Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy, đặc biệt là trong những buổi tổ chức đại tiệc.
Đó là việc trong những buổi tiệc lớn, vị Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy đều cho mời, đón những cô gái xinh đẹp từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu để nhảy đầm cùng quan khách của gia đình vị công tử giàu đến mức có giai thoại “đốt tiền nấu trứng” này.
Ví như, buổi tiệc ông Trần Trinh Trạch, thân sinh của Công tử Bạc Liêu tổ chức đại tiệc để đón con trai Trần Trinh Huy trở về nước sau 3 năm du học ở Pháp. Để đại tiệc được “rôm rả”, Công tử Bạc Liêu đã đề nghị ba mình chi hơn 100 đồng rồi cử người lên tận Sài Gòn đón 5 cô gái để cùng quan khách của gia đình tham gia nhảy đầm trong đại tiệc vinh quy của mình.
Sau vụ tổ chức lễ vinh quy đình đám cho Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy, gia đình của Công tử Bạc Liêu nổi tiếng hơn nhờ có cậu Ba Huy – Trần Trinh Huy mới đi du học bên Tây trở về, đến ngay cả Tỉnh trưởng Tây cũng đã phải ngưỡng mộ cậu Ba, để rồi phải thân chinh đến nhờ cậu Ba Huy hướng dẫn cho cách mở Hội chợ, tổ chức giải trí.
Và cũng như những buổi đại tiệc linh đình khác, trong khi tổ chức Hội chợ, Công tử Bạc Liêu cũng không quên mở một khu vực dành riêng cho giải trí đó là gian hàng vũ trường và mời các cô gái từ Sài Gòn xuống tham gia nhảy đầm cùng quan khách cho hội chợ thêm phần xôm...
Đó là những giai thoại viết về Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy. Khi được hỏi về những giai thoại này, ông Đức cho rằng: Cuộc đời ba tôi đã được không ít nhà văn viết thành sách với một chuỗi những câu chuyện vui nhiều hơn buồn, sự thật có và hư cấu cũng có. Riêng tôi, là con tôi rất tự hào về ông, ông xứng đáng với câu thành ngữ “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, ông Đức nói.
Xuân Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét