(Xây dựng) - Bộ GTVT vừa có Công điện số 85 yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) khẩn trương xử lý nứt mặt đường tại Km83 Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Hiện trường vết nứt gãy tại km 83 đoạn từ Yên Bái đi Phú Thọ.
Công điện do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký nêu rõ: Báo điện tử của Bộ xây dựng ngày 23/9/2014 có phản ánh: "Sau 2 ngày tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, tại Km83 từ Yên Bái về Phú Thọ đã có một vết nứt dài gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông.
Đây là đoạn đường có chiều dài khoảng 500m đi qua ao hồ, đầm lầy. Chiều cao đất đắp nền đường 9m, đang cắm biển theo dõi đất yếu.
Để đảm bảo quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng, Bộ GTVT yêu cầu VEC khẩn trương xử lý bù phụ mặt đường trong quá trình theo dõi chờ lún tại vị trí Báo chí phản ánh để đảm bảo giao thông được an toàn. Tổ chức thông cáo báo chí cung cấp đầy đủ thông tin đoạn đường đang chờ xử lý kỹ thuật để các cơ quan báo chí biết, phối hợp công bố cho các phương tiện lưu thông biết nhằm đảm bảo ATGT tuyệt đối.
Bộ GTVT yêu cầu VEC khẩn trương thực hiện và báo cáo Bộ GTVT trước ngày 25/9/2014.
Như Báo Điện tử Xây dựng (baoxaydung.com.vn) đã đưa tin, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tuyến đường cao tốc dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam. Được đầu tư với tổng số vốn gần 1,5 tỷ USD, dài 245km đi qua năm tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Với chiều dài kỷ lục, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 120 cây cầu lớn nhỏ, một hầm chui, đào đắp hơn 100 triệu m3 đất đá và hoàn thành sau 5 năm triển khai. Ngày 21/9 vừa qua con đường đã được làm lễ thông xe, thông đường. Việc nứt đường khiến dư luận không khỏi nghi ngờ chất lượng công trình của toàn tuyến đường này, liệu có đảm bảo như mong muốn?
Sáng ngày 24/9/2014, trao đổi với lãnh đạo Báo Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng hiện tượng này đã được Bộ cảnh báo từ trước: “Khi thông xe Nội Bài – Lào Cai, VEC có tổ chức họp báo, có nói rõ, một số vị trí chờ lún sẽ bị hư hỏng trong quá trình khai thác…”.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV Báo Điện tử Xây dựng (baoxaydung.com.vn), thạc sỹ Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó TGĐ Ban QLDA Thăng Long Bộ GTVT cho hay:
Bộ trưởng Thăng trả lời như vậy là chưa đúng cho trường điểm lún này, bởi vì những đoạn đường chờ lún là đường đi qua vùng đất yếu có thực hiện các biện pháp xử làm tăng nhanh độ lún của nền đất yếu như bấc thấm, giếng cát... Nhưng thời gian để kết thúc độ lún cố kết phải mất hàng chục năm nên khi độ lún đạt khoảng 95% độ lún cố kết là người ta đã cho tiến hành làm lớp kết cấu mặt đường, phần độ lún còn lại sẽ tiếp tục diễn ra và theo dõi tiếp trong thời gian khai thác. đặc điểm của hiện tượng lún có xử lý nền đất yếu là lún cả một đoạn đường và tạo ra độ dốc dọc ở hai đầu của đoạn đường lún với phần đường còn lại không có xử lý lún cố kết.
Nhìn qua hiện tượng đường lún nứt đứt rời mặt đường ở đây với đường nứt chạy dọc chéo so với tim đường đó ta có thể có các nhận định như sau:
Một là một nửa của phần nền đường đắp qua vùng đất yếu cục bộ chưa phát hiện ra trong quá trình khảo sát và thi công và như vậy nền đường đã không được xử lý trước, dẫn đến khi mặt đường nứt rồi mới đưa máy khoan đến để khoan khiểm tra tìm nguyên nhân.
Hai là nền đường đắp cao, thi công không đồng đều và không đảm bảo chất lượng dẫn đến nền lún không đều gây ra vết nứt dọc theo tim đường xé nền đường thành hai khối riêng biệt.
Ba là hiện tượng lún xé nứt mặt đường như vậy nếu xảy ra sau hai ngày thông xe quá lớn có thể gọi là "sập đường", nhưng ở đây có nhiều khả năng hiện tượng này lún ở đây đã xảy ra trong một thời gian dài, tức là hiện tượng lún này đã xuất hiện và xảy ra từ lâu tức là trước khi tổ chức lễ thông qua đường cao tốc.
Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét