Không quá khi nói ông Lương Hoài Nam là một nhân vật đặc biệt của ngành hàng không.
Sự bận rộn có lẽ không phải là vẽ vời. Trong tuần lễ đón hai chiếc thủy phi cơ cho Hải Âu - hãng hàng không tư nhân thứ 6 tại Việt Nam, ông Nam có quá nhiều công việc cần giải quyết để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh, một kế hoạch có thể ví như “chặng bay mới” của một người lắm duyên nợ với ngành hàng không.
Duyên nghiệp bầu trời
Không quá khi nói ông Lương Hoài Nam là một nhân vật đặc biệt của ngành hàng không. Quãng những năm 2000, trong bối cảnh ngành này còn khá đóng cửa, ông Nam đã là Trưởng ban Kế hoạch thị trường, một vị trí hứa hẹn sẽ “bay xa” trong tương lai, nếu xét thêm cả việc khi đó ông vẫn thuộc diện “cán bộ trẻ” của ngành, đồng thời có bằng tiến sỹ kinh tế ở nước ngoài.
Nhưng rồi 10 năm trước, tháng 7/2004, một bước ngoặt quan trọng đã đến, khi ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Pacific Airlines, một công ty con của Vietnam Airlines. Tháng 5/2008, Pacific Airlines tái cơ cấu thành Jetstar Pacific Airlines, ông tiếp tục là Tổng giám đốc, trước khi từ chức vào tháng 10/2009.
“Đường bay” của Lương Hoài Nam gặp rắc rối thật sự khi vào tháng 1/2010, khi ông bị cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến khoản lỗ 31 triệu USD trong quá trình mua xăng dự trữ của Pacific Airlines, cho dù sau đó ông lý giải và được chấp nhận rằng khoản lỗ này của hãng là do giá xăng thay đổi bất thường và "do rủi ro khách quan trong bối cảnh kinh tế thế giới có quá nhiều biến động không lường hết được".
Tháng 7/2012, ông Nam “tái cất cánh” với chức vụ giám đốc điều hành hãng hàng không tư nhân Air Mekong. Nhưng trải nghiệm này cũng chỉ kéo dài 4 tháng, khi ông xin rút lui vì lý do cá nhân.
Lý giải này khi đó có lẽ hơi ngoại giao. Trong cuộc gặp với VnEconomy, ông thẳng thắn nói rằng để tiếp tục bay, Air Mekong cần một cuộc tái cơ cấu triệt để hơn và do đó, cần nguồn lực đủ mạnh, nhưng “có lẽ các cổ đông của Air Mekong chưa sẵn sàng cho điều đó”.
Còn bây giờ là Hải Âu, với tham vọng “phủ sóng” các điểm nóng du lịch trên ba miền. “Đời tôi gắn với Boeing, Airbus, toàn máy bay to mãi rồi, giờ thì lại là với thủy phi cơ”, ông Nam so sánh, nhưng nói rằng “thật thú vị khi được làm một công việc vừa là hàng không vừa là du lịch”, những lĩnh vực ông có cùng đam mê.
Ông phân tích, Việt Nam hiện công bố rằng mỗi năm có 7 triệu khách du lịch, nhưng khách thật sự là du lịch trong số này chỉ khoảng 5 triệu khách. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, hầu như Việt Nam không thu hút được nhóm khách giàu, có thể chi tiêu lớn vì hạ tầng du lịch và dịch vụ kém cỏi.
Ban lãnh đạo Thiên Minh, tập đoàn mẹ của Hải Âu, đơn vị đã có nhiều trải nghiệm trong ngành du lịch Việt Nam, hiểu rất rõ rằng cho dù trong mắt khách du lịch quốc tế Việt Nam vẫn là một điểm đến thú vị, nhưng trên thực tế các dịch vụ đẳng cấp là quá ít.
Trong khi có những resort 5-6 sao, đường đến với các resort này lại quá bất tiện khi hệ thống đường bộ chưa hoàn thiện và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phía Thiên Minh tin rằng thủy phi cơ là một giải pháp khả dĩ để giữ chân những du khách mà nói như ông Nam, “việc chi vài ba trăm USD để đổi lấy một hành trình êm ái không phải là vấn đề”.
Bay cùng thủy phi cơ
“Chặng bay mới” với ông Lương Hoài Nam đã bắt đầu với việc đón hai chiếc thủy phi cơ giữa tuần trước, và thêm một chiếc nữa vào cuối năm nay.
Tùy vào tình hình thị trường, đội bay của Hải Âu sẽ được tiếp tục mở rộng, với mục tiêu phủ sóng dịch vụ tại các khu vực trọng điểm du lịch gồm tuyến Hà Nội - Hạ Long, khu vực Đà Nẵng và phụ cận, khu vực Nha Trang và phụ cận và khu vực Sài Gòn - Nam Bộ.
Thiên Minh đã chi tổng công 10 triệu USD để mua 3 thủy phi cơ hiệu Cessna Grand Caravan EX, mỗi chiếc có sức chở tối đa 12 khách, được sản xuất tại công ty Cessna, bang Kansas, và lắp phao thủy phi cơ của công ty Wipaire ở Minesota, Mỹ.
Ông Nam cho biết ý định triển khai dịch vụ thủy phi cơ tại Việt Nam đã được ấp ủ từ 5 năm trước. Sau quá trình khảo sát, học hỏi ở nước ngoài cũng như nghiên cứu môi trường pháp lý và tiềm năng du lịch thủy phi cơ ở Việt Nam, Thiên Minh đã quyết định sẽ đầu tư dịch vụ này từ tháng 4/2013.
Tập đoàn này đang nhìn về tiềm năng tương lai của thị trường: một quốc gia có hơn 3.000 km bờ biển với rất nhiều vịnh đẹp chắc chắn phải là nơi phát triển dịch vụ thủy phi cơ, như đã và đang diễn ra ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Đáng chú ý là sau khi đón thủy phi cơ, bộ phận thị trường của Hải Âu lại đang nhận được sự quan tâm khá đặc biệt của nhóm khách hàng trong nước. Ông Nam cho hay đã nhận được khá nhiều “đặt hàng” từ người Việt, trong đó có những người thuê trọn chuyến cho gia đình.
Thủy phi cơ không phải là cái gì quá mới mẻ với thế giới, thậm chí đã từng xuất hiện ở Việt Nam từ… 100 năm trước. Ngày nay, bên bờ Hồ Tây vẫn còn lại một “nhà thủy phi cơ” từ thời Pháp, hiện là một cơ sở do Hãng phim truyện Việt Nam đang quản lý.
Nhưng với công tác quản lý nhà nước hiện nay, thủy phi cơ vẫn là mới mẻ và do đó, việc đưa dịch vụ này vào thị trường là khá khó khăn.
Ông Nam thừa nhận, vì “thủy phi cơ” là “máy bay” nên trước hết nó phải tuân thủ tất cả các quy định của hàng không đối với “máy bay”, chưa kể các quy định khác của ngành du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay, các công việc chuẩn bị đã hoàn tất để những chuyến bay đầu tiên nối sân bay Nội Bài với bến du thuyền quốc tế Hạ Long có thể cất cánh sớm.
Nha Trang là nơi hãng hàng không Hải Âu đăng ký kinh doanh, nhưng những chuyến bay đầu tiên sẽ là trên chặng Hà Nội – Hạ Long. Ông Nam nói rằng quyết định chọn Hạ Long làm điểm khởi đầu có cả lý do từ sự ủng hộ hết mình từ ban lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, những người tin rằng các dịch vụ cao cấp như thủy phi cơ sẽ làm tăng giá trị cho di sản Hạ Long.
Ở tuổi “ngoại ngũ tuần”, những người tiếp xúc với ông Nam đều nhận thấy đôi mắt rất sáng sau cặp kính khá “trí thức”, cùng vẻ lịch lãm và một ít chất “Nghệ” trong từng lời nói, cho dù gương mặt không giấu được ít nhiều vẻ truân chuyên. Thời gian gần đây, trong vai trò một công dân luôn quan sát thời cuộc, ông Lương Hoài Nam được công chúng biết đến với nhiều nhận định và kiến giải thú vị về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt là về giáo dục.
Còn trong câu chuyện ngắn ngủi với VnEconomy, “cơ trưởng” của Hải Âu luôn bày tỏ sự tự tin khi nói về thủy phi cơ, tương lai của ngành du lịch và cơ hội của Thiên Minh và Hải Âu Aviation trong dài hạn.
So với Boeing hay Airbus, rõ ràng thủy phi cơ là loại máy bay nhỏ hơn, bay thấp hơn, chặng ngắn hơn và chở được số lượng hành khách ít hơn. Nhưng có lẽ với ông Nam, đam mê và duyên nghiệp hàng không thì dường như chưa hề thay đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét