Giáo sư Nguyễn Khắc Mai - nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (Ban Dân vận TƯ):
(PetroTimes) - Nhà nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhận định: “Tôi cho rằng Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Đông không vì mục đích khoan dầu. Vì tại vị trí này chưa thăm dò được các vỉa dầu hoặc đánh giá trữ lượng như thế nào. Thực ra Trung Quốc muốn lấn dần xuống phía nam để hiện thực hoá “đường lưỡi bò” với tư tưởng bành trướng đòi vạch lại bản đồ địa chính trị”.
Trung Quốc chủ trương lấy sức mạnh quân sự làm trung tâm cho khát vọng siêu cường.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai - Nguyên Vụ trưởng vụ Nghiên cứu ban Dân vận TƯ vốn nổi tiếng là nhà nghiên cứu có nhiều kiến giải về góc độ pháp lý quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước tình hình những ngày qua, mặc dù dư luận thế giới lên án phản đối gay gắt nhưng Trung Quốc vẫn chưa rút giàn khoan khỏi thềm lục địa của Việt Nam.
Về vấn đề này, GS Nguyễn Khắc Mai khẳng định: “Đây là hành động ngang ngược của Trung Quốc, phi pháp cậy mình là nước lớn coi thường dư luận trong nước và quốc tế”.
Ông phân tích: Hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông là có hệ thống và từng bước leo thang. Bây giờ, Trung Quốc đang tìm cách cắm một giàn khoan ở vùng biển Trường Sa. Ta thấy rõ, âm mưu và thủ đoạn nham hiểm của Trung Quốc từng bước tiến xuống phía Nam. Nếu cứ để cho họ từng bước, từng bước lấn chiếm, nối liền “đường lưỡi bò” thì đến lúc đó, họ sẽ chiếm lấy toàn bộ Biển Đông.
Trung Quốc bị dư luận quốc tế phản đối khi đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. (Trong ảnh: Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc trên Biển Đông).
Cũng theo lời GS Mai, chúng ta nhận rõ âm mưu của Trung Quốc, đưa giàn khoan vào Biển Đông không vì mục đích khoan dầu. Vì tại vị trí này chưa thăm dò được các vỉa dầu, đánh giá trữ lượng như thế nào. Nhưng Trung Quốc muốn lấn dần xuống phía Nam để nối kết, hiện thực hoá “đường lưỡi bò”. Đó là tư tưởng bành trướng của nước lớn theo đường lối Đế quốc Chủ nghĩa mong muốn vạch lại bản đồ địa chính trị.
Vì thế, dư luận quốc tế đã cực lực phản đối hành vi của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam cần phải cung cấp những chứng cứ, tài liệu cho dư luận quốc tế hiểu rõ hành vi ngang ngược của phía Trung Quốc.
GS Nguyễn Khắc Mai bày tỏ sự cảm phục những chiến sỹ Cảnh sát biển đã dũng cảm và kiềm chế để không xảy ra đụng độ vũ lực, không rơi vào bẫy của Trung Quốc. Chúng ta đang phải “gồng mình cho chúng đấm” để dư luận quốc tế phản đối buộc chúng phải “hạ tay”.
GS Nguyễn Khắc Mai cũng cho biết: “Trung Quốc từng bị Việt Nam không cho phép đưa giàn khoan vào vùng biển chủ quyền và có quyền tài phán của Việt Nam và họ đã phải rút lui. Sự việc hiện nay nghiêm trọng hơn nhiều. Thật ra, khi bắt được quả tang họ cắm mũi khoan để thăm dò và khai thác, về nguyên tắc, Việt Nam có quyền bắt giữ những phương tiện phi pháp, những phương tiện đang hoạt động trong vùng chủ quyền của Việt Nam. Đây là vấn đề ta phải vừa cương quyết cũng phải thận trọng vì chúng ta đang đối phó với một siêu cường hãnh tiến.
Nhà nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai.
Cá nhân tôi thấy rằng bây giờ cần sớm đưa vấn đề này ra Tòa án quốc tế vì có làm như vậy thì mới có khả năng giảm bớt tình hình căng thẳng, còn như lâu nay mình chỉ song phương thương lượng, Trung Quốc càng lấn tới. Kinh nghiệm Philippines khi đưa ra tòa án quốc tế để kiện Trung Quốc thì dư luận ở Philippines ngày càng đoàn kết xung quanh Chính phủ và đó là điều mà Trung Quốc sợ và không mong muốn. Họ không có phản ứng mạnh”.
“Hiện nay, Việt Nam có lợi thế là rất nhiều nước, thậm chí người ta nói là tất cả các nước đều cho là Việt Nam có lý về “chủ quyền biển đảo”. Chỉ một mình Trung Quốc là nói ngược lại. Nếu Chính phủ làm được như thế, nhân dân sẽ rất ủng hộ và dư luận quốc tế rất đồng tình.
Mặt khác, dân tộc Việt cần phải đoàn kết cả trong nước, ngoài nước và quan hệ tốt với quốc tế. Đây là vấn đề lớn liên quan tới phát triển sức mạnh nội lực của Việt Nam để xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền đất nước”, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh.
Thảo Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét