(PetroTimes) - Quân đội Nga đã có mặt ở Crimea từ hơn 200 năm trước, khi Catherine đại đế xây dựng một cảng hải quân ở Sevastopol. Thành phố du lịch Yalta của Crimea là nơi diễn ra cuộc gặp nổi tiếng giữa Roosevelt, Stalin và Churchill.
>> Tại sao Ukraine quyết tâm giành lại Crimea? (Kỳ 1)
Năm 1954, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushchev ra sắc lệnh quy định Crimea trở thành một phần của Ukraine và đây là động thái khiến nhiều người Nga cho là không hợp pháp. Năm 1992, sau khi Liên bang Xôviết sụp đổ, Crimea gia nhập Ukraine. Nhiều người nói rằng, Crimea đối với Ukraine tương tự như Florida hay Texas đối với Mỹ.
Theo trang Business Insider, Hạm đội Biển Đen mà Nga đặt ở Sevastopol, thủ phủ Cộng hòa tự trị Crimea, không phải là hạm đội lớn nhất hay hùng mạnh nhất của Moskva bởi hầu hết số tàu tại đây có từ trước khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng Hạm đội Biển Đen có ý nghĩa lớn đối với Nga bởi từng đánh bại đế chế Ottoman, tham chiến trong 2 cuộc Đại chiến thế giới và cuộc “chiến tranh 5 ngày giữa Nga và Gruzia năm 2008”; đồng thời giúp Moskva bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng của Nga, cũng như giữ vai trò, đồng thời khẳng định quyền lực cũng như ảnh hưởng của Moskva trong khu vực Địa Trung Hải và Caucacus.
Thủ tướng Sergey Aksyonov
Gần 5 năm trước, khi phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga (25/7/2009) ở thành phố Sevastopol, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea Anatoli Grisenko từng tuyên bố, Hạm đội Biển Đen của Nga vẫn đảm bảo cho sự bình yên và ổn định tại khu vực trong một thời gian dài nữa. Trước đó, đại diện chính thức Bộ Ngoại giao Nga Andrei Nesterenko đã viện dẫn Luật Quốc tế (Điều 17 Luật về các hiệp ước quốc tế của Ukraine) để nhắc nhở Kiev sau tuyên bố hôm 2/7/2009 của Bộ Ngoại giao Ukraine về việc Hạm đội Biển Đen không thực hiện quyết định của tòa án trao trả cho Kiev những công trình hàng hải, thủy văn đảm bảo an toàn di chuyển tại Biển Đen và biển Azov.
Cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Timosenko cũng từng tuyên bố (26/6/2009), sau năm 2017, trên lãnh thổ Ukraine sẽ không còn bất kỳ một căn cứ quân sự nước ngoài nào nữa, bởi hợp đồng cho căn cứ quân sự này sẽ kết thúc vào năm 2017 và khi đó Hạm đội Biển Đen sẽ phải rời đi.
Khi trả lời phỏng vấn của tờ Washington Post, Giáo sư Mark Galeotti của Đại học New York, tác giả cuốn “Các lực lượng an ninh và bán quân sự Nga từ năm 1991” cho rằng, nếu xảy ra chiến tranh, Hạm đội Biển Đen không thật sự ấn tượng. Bởi lực lượng tại chỗ, bao gồm lữ đoàn bộ binh hải quân 810 có 2.500 lính thủy đánh bộ, không phải là tinh nhuệ, từng chiến đấu hiệu quả ở Gruzia và chống cướp biển Somalia. Bên cạnh đó là lực lượng đặc nhiệm hải quân với khoảng 200-300 lính.
Bộ Quốc phòng Nga vừa cho biết, để nhanh chóng nâng cao sức mạnh cho Hạm đội Biển Đen, trong 2 năm tới, Hạm đội Biển Đen sẽ nhận 6 tàu hộ vệ (khinh hạm) lớp “Đô đốc Grigorovich”, thuộc Đề án 11356 và 6 tàu ngầm diesel-điện project 636 lớp Varshavyanka, để nâng cao khả năng tác chiến của hạm đội này. Theo đó, 6 chiếc khinh hạm sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2014-2016 để nâng cao sức mạnh tác chiến của hải quân Nga ở khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải. Và đến năm 2016, sau khi 6 tàu hộ vệ và 6 tàu ngầm được bàn giao đầy đủ, Hạm đội Biển Đen sẽ trở nên hùng mạnh, cho phép lực lượng này có đủ khả năng giải quyết những bài toán phức tạp trong khu vực tác chiến của mình.
Theo giới quân sự, tàu chiến và tàu ngầm của Hạm đội Biển Đen ở Crimea có thể ra Địa Trung Hải một cách nhanh chóng và bất ngờ để gây ảnh hưởng đến Trung Đông và Balkans. Chuyên gia Christian Le Miere của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng, Hạm đội Biển Đen là hạm đội hải quân nhỏ nhất trong số 4 hạm đội của Nga, nhưng Moskva vẫn rất coi trọng quân cảng Sevastopol và Hạm đội Biển Đen.
Hải quân Nga đã có căn cứ ở Sevastopol hơn 2 thế kỷ và các đời lãnh đạo Nga đều coi trọng căn cứ chiến lược này. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Nga và Ukraine đã trải qua nhiều cuộc tranh luận căng thẳng về việc phân chia Hạm đội Biển Đen đóng ở đây. Được biết, Hạm đội Biển Đen của Nga đã duy trì căn cứ quân sự chính tại cảng Sevastopol và nhiều cơ sở hải quân khác tại bán đảo Crimea từ nhiều thập niên qua.
Theo các nguồn tin khác nhau, Crimea cần đầu tư 3-5 tỉ USD/năm để trang trải phúc lợi xã hội, thâm hụt ngân sách và cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc xây dựng một cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối Crimea với Nga. Khu vực này cũng sẽ cần những nguồn điện, nước và nhiên liệu mới. Ngày 17/3, Nga đã phân bổ 15 tỉ rub (400 triệu USD) cho Crimea. Theo thống kê, hiện có khoảng 200.000 người làm việc trong khu vực công của Crimea và theo số liệu của cơ quan thống kê Ukraine (tháng 2/2014), mức lương trung bình của họ là 12.500 rub (340USD)/tháng. Ở Nga, con số này cao hơn gần gấp 3 lần và như vậy Moskva sẽ phải chi 3,5 tỉ rub/tháng, tương đương 42 tỉ rub/năm (1,4 tỉ USD) cho Crimea.
Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev thừa nhận, Moskva sẽ phải đối mặt với những thách thức từ việc bổ sung tăng lương hưu và trợ cấp xã hội khác để Crimea có cuộc sống ngang bằng với mức của Nga hiện nay. Theo ông Alexander Khurudzhi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị mạng lưới điện phi thương mại Nga cho biết, bên cạnh việc đầu tư xã hội, Nga còn phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng Crimea.
Nếu Ukraine cắt điện lưới của Crimea, đường dây tải mới sẽ phải được xây dựng từ Nga qua eo biển Kerch để cung cấp. Và việc lắp đặt này sẽ ngốn khoảng 18 tỉ rub (490 triệu USD). Các dự án tài chính được coi là “cần thiết” khác sẽ có giá khoảng 5 tỉ USD… Và đây là điều khiến giới chuyên môn cho rằng: Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc cho dù trưng cầu dân ý ở Crimea đã hoàn tất.
QT - KD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét