(PetroTimes) - Nạn nhân bị đánh tối ngày 27/2 là em Phạm Văn Tây, học sinh lớp 11, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thừa Thiên-Huế. Điều khiến dư luận bức xúc, hàng trăm người dân phẫn nộ, bao vây lấy 2 công an đánh học sinh là bởi vì họ đã dùng vũ lực với các em...
>> Hàng trăm người dân vây 2 cán bộ công an
Tìm việc làm thêm, nộp học phí
Có lẽ khi ngồi tĩnh tâm lại thì 2 chiến sỹ công an trên có lẽ sẽ không hành động như vậy, bởi lẽ nếu như họ biết rằng, hoàn cảnh của em Phạm Văn Tây, 17 tuổi, học sinh lớp 11, là gia đình hiện rất khó khăn, gia đình này cũng mới vừa thoát khỏi hộ cận nghèo của phường An Hòa thì sẽ khác.
Phạm Văn Tây sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, Tây là con út trong gia đình được đi học, cả 2 chị và 1 anh của Tây phải nghỉ học từ rất sớm, khi giấc mơ giảng đường vẫn còn dang dở để nhường lại cho em cắp sách đến trường. Bố Tây là ông Phạm Văn Ân, 47 tuổi, ở số nhà 25 Lý Nam Đế, phường An Hòa, TP Huế làm nghề thợ mộc, mẹ Tây là bà Trương Thị Hồng Nhi, 43 tuổi, hiện vẫn đang thất nghiệp, không có việc làm ổn định. Hàng ngày, cứ chiều chiều bà lại đi mót rau má, rau muống, tập tàng và các loại rau mọc ven đường để về nấu canh ăn.
Ba mẹ em Tây bức xúc việc con mình bị công an đánh nhập viện.
Tây là con út trong gia đình nghèo, hàng ngày ngoài việc đi học, em còn làm giúp bố mẹ giặt giũ áo quần, nấu cơm, nấu cám cho heo ăn… ai cho tiền cũng dồn lại đưa mẹ mua gạo, mua rau cải. Ở cái tuổi 17, nhưng với Tây như một đứa trẻ, em ngoan, lại chăm học cả khu phố An Hòa khi nhắc đến Tây ai cũng tấm tắc khen ngợi cậu học trò ngoan hiền, vậy mà chỉ một lần đi sai đường 1 chiều, Tây lại bị 2 công an đánh một cách không thương tiếc. Trong đó có Thượng úy Phan Lê Phú, mà người dân thường gọi là Phú “ngọng”, người đã đạp xe làm cháu Tây ngã xuống đường.
Ít ai biết rằng, Tây là một võ sư có tiếng ở môn phái Thiếu Lâm, nhưng khi bị đánh em vẫn không chống cự, cú đánh mạnh và bất ngờ khiến em không còn khả năng phản kháng. Với một người học võ như Tây dù chưa đạt chín muồi, nhưng đã học giỏi thì rất đàm tính.
Mẹ Tây, bà Nhi cho biết: “Cả đời gia đình sống ở khu phố này không mất lòng ai một tiếng. Nhưng đùng một cái, nghe con bị công an đánh ai cũng nao lòng. Con sai thì phải sửa, ở đời ai chẳng sai, nhưng nếu vì chuyện chạy ngược đường, vào đường cấm mà phải bị đánh đập như thế quả thật quá đau lòng. Trên ghế có thầy cô dạy, ra đường có xã hội dạy ta ở đời là thế mà. Con tôi không chống cự vì cháu biết đã đi sai làn đường. Vậy thì cứ xử phạt, sao lại đạp xe, đánh con tôi”, bà Nhi nước mắt ngắn dài.
Em Phạm Văn Tây kể lại sự việc: “Hôm đó, sau giờ tan học, Tây rủ bạn Nhật Trung học cùng lớp 11A2 của trường đi xin việc làm bán cà phê ban đêm ở mấy quán, cả 3 ngày nay chiều nào em cũng đi cả, nhưng tìm mãi vẫn chưa ai nhận. Tối hôm đó em chạy từ trường lên phía Nam Giao để xin việc làm thêm để lấy tiền nộp học phí, và các khoản đầu năm thì trên đường Điện Biên Phủ về gặp 2 chiến sỹ công an. Do họ đạp xe em ngã quá bất ngờ, và cú đánh mạnh quá khiến em nằm bất động mà không biết gì cả. Thật lòng mà nói, em cũng không biết đó là đoạn đường cấm, sau lưng em vẫn còn 2-3 xe theo sau nên em mới đi. Chứ biết đường cấm thì em cũng không bao giờ đi cả”, Tây nói.
Khuôn mặt vô hồn của Tây sau khi bị đánh.
Trắng đêm cùng con
Cả 2 đêm qua, người mẹ nghèo không nghề nghiệp Trương Thị Hồng Nhi đã hết nước mắt thức trắng đêm để lo cho con. Sau khi bị đánh, Công an TP Huế có cho xe chở Tây đi bệnh viện cấp cứu, nhưng đến bệnh viện thì tất cả bỏ về, để lại Tây một mình tại bệnh viện.
Bà Hồng Nhi, mẹ của Tây cho biết: “Khi tôi đến bệnh viện, chỉ có một mình con tôi nằm ở phòng cấp cứu, không có ai bên cạnh con tôi cả. Nhìn con nằm ở bệnh viện mà suốt mấy đêm nay không đêm nào tôi chợp giấc. Cả đêm thức trắng để xoa muối, bóp chân tay cho con. Cháu nằm ở trên giường mà cứ kêu rên đau quá mẹ ơi, khiến lòng mẹ già quặng thắt”.
“Gia đình tôi không cần gì cả, chỉ cần 2 chiến sỹ công an thành phố đã đánh con tôi phải đến xin lỗi gia đình tôi cho xứng đáng người quân tử, đã sai thì phải nhận lỗi, hàng trăm người dân ở đường Điện Biên Phủ cũng chứng kiến chuyện này, một lời xin lỗi thôi, sao mà khó thế?”, bà Nhi nói.
Hàng ngày, ông Ân (bố của Tây) phải làm việc quần quật từ sáng đến tối khuya để nuôi vợ nuôi con ăn học. Tuy nhiên, với nghề thợ mộc như hiện nay thì việc kiếm tiền trở nên khó khăn, vì vậy cuộc sống của cả gia đình càng đi vào ngõ cụt. Mẹ của Tây dù muốn phụ chồng đi làm để lo cho các con nhưng cũng đành bất lực khi trong tay bà chẳng có nghề nghiệp gì.
Bà Nhi kể: "Dù là con trai nhưng Tây vẫn thường giặt giũ áo quần, nấu cơm nước, cháu múa lân rất giỏi nên hễ có sự kiện gì lớn đội Lân Sư Rồng tỉnh này đều gọi em đi múa, có tiền là em đổ xăng xe, mua bút, vở… ở đây cả xóm này ai cũng xúc động và thương Tây lắm, nó hiền như cục đất à. Vậy mà người ta nỡ đánh nó ác quá. Máu đổ lòng ai nấy xót, họ rồi cũng có con cái, cũng có gia đình, giả sử như ai đánh con họ như thế thì họ nghĩ thế nào?".
Đông Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét