(PetroTimes) - Lịch sử công tác tổ chức trong thời kỳ Đổi mới từ 1986 cho tới nay sẽ phải ghi việc ông Trần Văn Truyền – nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký bổ nhiệm hàng chục cán bộ cấp Cục, Vụ, trong có... 1 ngày. Đó là ngày 3/8/2011.
Theo tài liệu PetroTimes thu thập được, chỉ tính từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền đã ký bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Cục, Vụ tại cơ quan Thanh tra Chính phủ. Đặc biệt, ngày 3/8/2011, ngày mà Chính phủ khoá XIII ra mắt và ông Huỳnh Phong Tranh được bầu làm Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Truyền đã cấp tập ký tới hơn 20 quyết định bổ nhiệm cán bộ.
Ông Trần Văn Truyền và ngôi biệt thự ở TP Bến Tre
Ngày 3/8/2011, ngày đã đưa ông đi vào “lịch sử” của ngành Thanh tra ấy, ông ký bổ nhiệm 3 hàm Vụ trưởng và hàm Phó Vụ trưởng ở Văn phòng; 3 hàm Cục phó và 1 Trưởng phòng, 1 Phó phòng của Cục 3 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Nam); 1 hàm Vụ trưởng và 1 hàm Vụ phó ở Cục 1 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Bắc); 1 hàm Cục phó ở Cục 2 (Cục Thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực miền Trung); 1 hàm Phó Vụ trưởng Vụ 1 (Vụ Kinh tế ngành); 1 hàm Phó Vụ trưởng Vụ 2 (Vụ Kinh tế Tổng hợp, Tài chính – ngân hàng); 1 hàm Vụ trưởng Vụ Pháp chế; 1 hàm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế; 1 hàm Vụ phó Vụ Đơn thư... Ngoài ra, ông còn bổ nhiệm một loạt lãnh đạo tại báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trường cán bộ Thanh tra, Trung tâm thông tin, Vụ Tổ chức cán bộ...
Trước đó, từ tháng 3/2011, ông cũng đã ký bổ nhiệm hàng chục cán bộ cấp Cục, Vụ cơ quan Thanh tra Chính phủ. Đáng chú ý, trong số những cán bộ được ông ký bổ nhiệm, có nhiều cán bộ không nằm trong diện quy hoạch, năng lực, trình độ chuyên môn kém. Và để cho đúng “quy trình bổ nhiệm cán bộ”, ngay trong ngày 3/8/2011, ông Truyền đã ký Quyết định số 2100/QĐ-TTCP về việc bổ xung quy hoạch cán bộ. Sai phạm của ông Truyền trong công tác cán bộ là rất rõ ràng bởi theo Điều 15, Nghị định 178/2007/NĐ-CP thì cấp Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ cấp phó không được vượt quá 3 người. Trong khi đó, nhiều Cục, Vụ của Thanh tra Chính phủ, cấp phó có tới 4 – 6 người.
Nguy hại hơn, theo thông tin mà PetroTimes thu thập được, sự yếu kém trong công tác cán bộ và cách bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “lấy được” như trên đã tạo ra một tiền lệ tranh chức, tranh quyền, đấu đá nhau trong nội bộ Thanh tra Chính phủ rất gay gắt, thậm chí, trong quá trình hoạt động công tác, không ít cán bộ được ông bổ nhiệm đã bị kỷ luật, cách chức...
Dư luận xã hội đang rất bức xúc trước những thông tin về ngôi biệt thự “siêu khủng” của ông Trần Văn Truyền ở tỉnh Bến Tre và đặt câu hỏi, phải chăng, ngôi biệt thực trên ông có được chính từ những quyết định bổ nhiệm cán bộ bất thường trên? Không biết đáp án cho câu hỏi trên như thế nào nhưng rõ ràng, với việc bổ nhiệm cán bộ một cách ồ ạt như trên, chất lượng của một cơ quan được coi là tai, là mắt của dân, là công cụ gìn giữ và bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, là thứ vũ khí làm trong sạch bộ máy chính quyền của Chính phủ chắc hẳn khó mà “sắc”, mà “trong” được!
Với chức năng là cơ quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ chính là một trong những công cụ quan trọng giúp Chính phủ làm trong sạch bộ máy chính quyền các cấp, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật...
Với trọng trách như trên, đúng ra những người làm công tác thanh tra, đặc biệt là những cán bộ lãnh đạo của ngành Thanh tra phải hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của công tác cán bộ trong việc xây dựng bộ máy cũng như quá trình hoạt động của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, qua việc ông Truyền đề bạt cán bộ theo kiểu “chợ chiều”; “ tháo khoán” thế này, rõ ràng công tác cán bộ của Thanh tra Chính phủ đã bộc lộ rất nhiều yếu kém, hạn chế, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của ngành Thanh tra.
Lê Hà Thanh Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét