(PetroTimes) - Dự định sắp tới của doanh nhân “quê lúa” Nguyễn Quốc Hòa - Giám đốc Cty cơ khí Quốc Hòa (TP. Thái Bình) là đưa chiếc tàu ngầm mini “Trường Sa 01” ra biển “để thử nghiệm và cũng là chạy luôn”. Dự định này được đưa ra sau khi ông Hòa kết thúc 10 ngày thử nghiệm tàu ngầm mini trong bể xây tại khuôn viên Cty. Liệu dự định của ông Hòa có thành hiện thực?
Như PetroTimes đã thông tin trước đó, ông Hòa được báo chí, dư luận nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây với việc làm “gây sốc”: tự đóng tàu ngầm mini mang tên “Trường Sa”.
Tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền, du lịch, đánh bắt hải sản
Trong cuộc trao đổi gần đây với phóng viên sau khi kết thúc 10 ngày thử nghiệm trong bể tự xây ở trong khuôn viên Cty, ông Hòa “đính chính”: “Mọi người cứ gán ghép tàu ngầm “Trường Sa 01” với quân sự. Thực ra là không phải. Nếu tàu ngầm của tôi phục vụ cho quân sự, đánh nhau thì hơi hoang tưởng. Việc đó không phải của mình, mà là của bên quân đội”.
Bản vẽ thiết kế tàu ngầm của ông Hòa trên máy vi tính
Ông Hòa chia sẻ mục đích thực sự của sản phẩm “gây sốc” này của ông: Việt Nam là một cường quốc biển, nhiều biển đảo. Vì vậy, tàu ngầm mini có thể dùng trong đánh bắt hải sản, du lịch, cứu nạn, thăm dò đáy biển, qua đó khẳng định chủ quyền về biển của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
“Ngoài kia (biển Đông), tàu lạ phá ngư dân mình ác lắm. Nếu chúng ta có cái tàu ngầm be bé chạy theo tàu của ngư dân mình, chỉ làm mỗi nhiệm vụ bảo vệ, ngăn cản các tàu lạ là chúng phải dè chừng. Tàu ngầm mini có thể dùng các biện pháp như rải các hệ thống lưới nhỏ, hoặc chỉ cần nổi lập lờ… để ngăn cản các tàu Trung Quốc phá tàu ngư dân của ta”- ông Hòa phân tích.
Ông cũng giải thích thêm một vài tính năng của tàu ngầm trong việc nghiên cứu và cứu hộ cứu nạn.
Mô hình tàu ngầm kilo được đặt trong phòng làm việc của ông Hòa
Bên cạnh đó, ông Hòa cũng chia sẻ ông muốn ý tưởng của mình thành công để trở thành “một mồi lửa nhỏ đốt cháy rất nhiều đồng cỏ khô ở ngoài kia”.
Ông nói, ý tưởng làm tàu ngầm mini của mình bắt nguồn khi ông đọc báo về thông tin Việt Nam mua tàu ngầm Kilo của Nga. “Lúc đó tôi nghĩ mình có thể làm gì đây để mọi người rõ Việt Nam có thể làm được gì. Tôi thấy cái gì chúng ta cũng phải mua. Nếu như làm được con tàu nho nhỏ này thì nhiều người khác sẽ nghĩ chúng ta có cơ sở để thực hiện những dự án tàu ngầm khác; các nhà khoa học của Việt Nam sẽ bắt tay vào làm các con tàu Trường Sa khác tốt hơn nhiều”.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng khẳng định: “Đây chưa là một con tàu xịn đúng nghĩa, mà chỉ là phục vụ nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm. Còn nếu nó đầy đủ và tốt, xịn, thì phải là tàu Trường Sa 02… có số 01 tức là có số 02 và số n+1. Bao nhiêu con tàu thì còn phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, sự quan tâm của đất nước cũng như khả năng về khoa học kỹ thuật”.
Liệu có ra được biển?
Nếu thực hiện được những mục đích trên thì quả thực rất tuyệt vời. Tuy nhiên, để ra được biển “thử nghiệm và cũng là chạy luôn” thì ông Hòa chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Điều đầu tiên chắc chắn là về khoa học, công nghệ của tàu ngầm. Bởi ai cũng biết, tàu ngầm phải có công nghệ rất tối tân, sự chính xác phải gần như tuyệt đối để đảm bảo an toàn trong môi trường giữa biển khơi.
Trong khi đó, ông Hòa cũng thừa nhận là “kiến thức tàu thủy thì một chữ tôi không biết. Kiến thức về máy thủy cũng bằng không”, và ông chỉ là người chế tạo máy, cơ khí đơn thuần.
Ông Nguyễn Quốc Hòa trao đổi với phóng viên
Tất nhiên, như ông Hòa nói, trước khi bắt tay làm tàu ngầm, thì ông phải dành thời gian “lang thang trên mạng rất nhiều để đọc nhiều tài liệu về tàu ngầm rồi mới bắt tay làm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không khỏi… nghi ngờ về thành công của chiếc tàu ngầm này. Bởi, ông Hòa cũng thừa nhận, mặc dù tìm hiểu, nhưng không đủ thời gian và trình độ kiến thức để tìm hiểu nguyên chiếc tàu, mà chỉ đọc những gì liên quan đến phần mình sẽ làm.
Còn đối với vấn đề quản lý nhà nước, theo tìm hiểu của phóng viên, ông Hòa cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi tàu ngầm mini là một… lĩnh vực rất mới.
Theo tìm hiểu, Luật Hàng hải của Việt Nam cũng chưa đề cập đến phương tiện giao thông này. Danh mục các mặt hàng sản xuất kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chưa có danh mục sản xuất tàu ngầm. Danh mục đăng kiểm cũng chưa hề có phương tiện này. Như vậy, có thể nói, nếu tàu ngầm mà đưa ra khỏi khuôn viên của Cty Quốc Hòa thì sẽ đứng… “ngoài vòng pháp luật”, bởi pháp luật chưa có luật nào điều chỉnh loại phương tiện này? Nói cách khác, ông Hòa muốn đăng kiểm cho tàu ngầm hoặc muốn được cấp phép hoạt động cho tàu ngầm… thì cũng… bất khả thi bởi chưa có quy định.
Tàu ngầm hiện vẫn đang nằm ở bể thử nghiệm trong khuôn viên Cty của ông Hòa
Về phía cơ quan chức năng Thái Bình, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Thái Bình (chưa phát ngôn chính thức) cho biết: Ông Hòa để tàu ngầm trong Cty, hoặc dùng xe chở tàu ngầm đi nơi khác thì không sao, nhưng nếu như ông Hòa đưa tàu ngầm xuống mặt biển thì sẽ… bắt.
Khi hỏi thêm, luật chưa đề cập đến phương tiện này thì làm sao mà bắt được, vị này khẳng định: Mặt nước thuộc quyền kiểm soát của cảnh sát đường thủy, nếu ai đưa phương tiện nào xuống mà chưa được phép, nghĩa là ảnh hưởng đến an toàn của người khác, phương tiện khác nên cảnh sát đường thủy có quyền bắt.
Đối với Sở KHCN tỉnh, một lãnh đạo này khi trao đổi với phóng viên (nhưng nói là không phải phát ngôn chính thức) thì cho biết, ông Hòa làm tàu ngầm không báo cáo với Sở KHCN nên Sở cũng chỉ… đứng bên ngoài quan sát, nắm bắt sự việc. Bởi nếu Sở mà ủng hộ mà sau này dự án thất bại thì cũng không được; mà không ủng hộ nhưng nếu thành công thì cũng… không được (?!).
Thục Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét