(PetroTimes) - Ấn Độ, Trung Quốc là hai cường quốc dân số và mới nổi đã từng xảy ra chiến tranh biên giới với nhau. Tuy nhiên, trong tương lai gần cuộc chiến giữa hai nước khó tái diễn vì nhiều lý do.
Năng lượng Mới số 290
Do tiềm lực quân sự của Trung Quốc hiện chưa thể giành lợi thế nếu chiến tranh tổng lực; trước mắt ưu tiên của Trung Quốc là phát triển kinh tế, đối phó hiệu quả với suy thoái toàn cầu và đảm bảo thế hệ lãnh đạo mới đi vào hoạt động có hiệu quả; Trung Quốc còn phải giải quyết nhiều khó khăn trên các lĩnh vực, nhất là tình hình bất ổn ở Tây Tạng và Tân Cương. Vì thế, động thái xích lại gần nhau hơn đã được lãnh đạo hai nước Trung - Ấn lựa chọn trong chuyến thăm lẫn nhau của Thủ tướng hai nước hồi tháng 5 và tháng 10/2013.
Hai bên đã ký kết các hiệp định, theo đó, hai nước sẽ thông báo cho nhau về các cuộc tuần tra dọc đường biên giới chung nhằm tránh nguy cơ đụng độ; “kiềm chế tối đa” khi đối mặt ở các khu vực biên giới còn tranh chấp và thiết lập đường dây nóng giữa giới chức quân sự hai bên. Ngoài ra, hai nước còn ký 9 thỏa thuận và biên bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác giao thông biên giới.
Thủ tướng Ấn Độ (trái) cùng Thủ tướng Trung Quốc trong buổi gặp và ký kết thỏa thuận quốc phòng ngày 23-10-2013 tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh
Kinh tế Trung Quốc và các tuyến hải vận
Trung Quốc đã đưa ra tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế trong 20 năm tới sẽ bằng hoặc vượt Mỹ. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, nhất là từ năm 2012, Trung Quốc đã phải đối phó với các vấn đề nợ trong nước, bong bóng bất động sản, xuất khẩu giảm vì Mỹ và châu Âu suy thoái, năng lực sản xuất thấp, thất nghiệp gia tăng. Trung Quốc đang phải tập trung vào phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội đang ngày càng phức tạp. Nếu chiến tranh tổng lực giữa Trung - Ấn nổ ra sẽ phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế và có thể đưa Trung Quốc thụt lùi hàng chục năm.
Thương mại quốc tế đóng góp hơn 30% cho kinh tế Trung Quốc bao gồm xuất khẩu hơn 1.600 tỉ USD và nhập khẩu hơn 1.400 tỉ USD. Phần lớn trao đổi thương mại của Trung Quốc liên quan đến vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, trong đó hơn 60% nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc qua Ấn Độ Dương và Eo biển Malacca.
Nếu chiến tranh tổng lực giữa hai nước xảy ra sẽ buộc Hải quân hai bên phải tham gia, trong khi Hải quân Trung Quốc lớn hơn Hải quân Ấn Độ, nhưng Ấn Độ lại có lợi thế về địa lý. Hải quân Ấn Độ có thể đủ sức triển khai các phương tiện trên không và trên biển để ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc từ Vịnh Aden và Mũi Hảo Vọng đến Eo biển Malacca.
Eo biển Malacca sẽ bị Ấn Độ kiểm soát chặt chẽ và khống chế hiệu quả từ quần đảo Andaman, Nicobar và Vịnh Bengal. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ phải bảo vệ các tuyến đường giao thông biển. Hải quân Trung Quốc sẽ không đủ khả năng để triển khai các tàu chiến qua Eo biển Malacca và sử dụng lực lượng đặc nhiệm để bảo vệ tuyến hải lộ do Ấn Độ khống chế từ phía đông Ấn Độ Dương. Vì thế, Trung Quốc hiện đang xây dựng “chuỗi ngọc trai” để bảo vệ tuyến hải lộ, nhằm tăng cường sức mạnh và phục vụ cho một cuộc chiến tranh trong tương lai.
Chiến lược “Chuỗi ngọc trai”
Trung Quốc đang triển khai chiến lược “Chuỗi ngọc trai” bao gồm Chittagong, đảo Cocos, Hambantota, Maldives, Seychelles và Gwadar với ý định bao vây Ấn Độ, đồng thời xây dựng căn cứ cho Hải quân Trung Quốc. Ý tưởng của Trung Quốc là giành được vị trí chắc chắn ở Ấn Độ Dương, trong đó Maldives và quần đảo Cocos có tầm quan trọng chiến lược. Mỗi căn cứ trong “Chuỗi ngọc trai” đều nhằm tạo ảnh hưởng địa chính trị và hiện diện quân sự của Trung Quốc. Với các cơ sở quân sự được nâng cấp gần đây, đảo Hải Nam là căn cứ chính. Đường băng được nâng cấp trên đảo Woody thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là căn cứ kế tiếp.
Tiếp theo là căn cứ Chittagong ở Bangladesh, cảng nước sâu Sittwe ở Myanmar, căn cứ hải quân Gwadar ở Pakistan. Các dự án xây dựng cảng và sân bay, quan hệ ngoại giao và hiện đại hóa lực lượng quân sự đều nhằm phục vụ chiến lược “Chuỗi ngọc trai”. Trung Quốc xây dựng các căn cứ kéo dài từ đất liền qua các vùng xung quanh Biển Đông, Eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, tiến tới các vùng ven Biển Arập và Vịnh Persian. Trung Quốc cũng đang xây dựng quan hệ chiến lược với các nước tại khu vực Trung Đông và thiết lập sự hiện diện phía trước dọc các tuyến đường giao thông biển để nối Trung Quốc với Trung Đông.
Việc Trung Quốc tiến hành xây dựng các cảng biển trên phụ thuộc rất nhiều vào vị trí địa lý, nơi mà Hải quân Ấn Độ có vị trí gần hơn nên có khả năng ngăn chặn hiệu quả và các phương tiện có thể triển khai nhanh chóng. Trung Quốc có thể được chuẩn bị trước, nhưng không thể bảo vệ được trước các cuộc tấn công bằng Không quân và tên lửa từ lãnh thổ Ấn Độ. Ngay cả khi một số đơn vị và phương tiện của Hải quân Trung Quốc vượt qua Eo biển Malacca, lực lượng này cũng không thể bảo vệ được tuyến hải lộ và các căn cứ khác. Tuyến vận chuyển trên đất liền chỉ có thể cung cấp hàng hóa cho Gwadar, nhưng phải đi qua Tây Tạng đến đường cao tốc Karakoram và sau đó qua vùng Baluchistan (khu vực bất ổn của Pakistan).
Sự liên kết địa chính trị cũng đang thay đổi không có lợi cho chiến lược “Chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc. Quan hệ Ấn Độ - Bangladesh đang có những dấu hiệu cải thiện, Chittagong và Myanmar đang ngày càng hiểu rõ hơn những vấn đề về an ninh trong quan hệ với Ấn Độ. Maldives bắt đầu hợp tác bảo vệ bờ biển với Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ có quyền tự do tiếp cận Mauritius và có các trạm trinh sát vô tuyến điện ở Madagascar. Gần đây, Seychelles đã đồng ý đảm bảo tiếp nhiên liệu cho Hải quân Trung Quốc và điều này gây lo ngại cho Ấn Độ. Thực tế, Seychelles gần với Diego Garcia của Mỹ hơn Ấn Độ. Do vậy, Trung Quốc không thể bố trí các phương tiện quan trọng ở đó vì sẽ bị cáo buộc tạo ra mối đe dọa cho Mỹ.
Không quân Trung Quốc
Không quân Trung Quốc cũng khó có khả năng đóng vai trò quan trọng, vì các sân bay ở Tây Tạng được xây dựng trên độ cao 2.300-3.000m, khiến máy bay không thể cất cánh chỉ với lượng nhiên liệu hạn chế. Nếu sử dụng các sân bay ở Tây Tạng cho các chiến dịch quân sự, Không quân Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để đảm bảo nhiên liệu và đồ tiếp tế cho máy bay chiến đấu làm cho Không quân Trung Quốc gặp nhiều bất lợi. Trong khi đó, Không quân Ấn Độ sẽ cất cánh từ vùng đồng bằng ở miền Bắc Ấn Độ và có thể tiếp cận chiến trường trong vòng 20-30 phút.
Ngoài ra, sự khác nhau về công nghệ cũng có lợi cho Không quân Ấn Độ. Máy bay SU-30 MKK của Trung Quốc xếp sau SU-30 MKI của Ấn Độ. Sau khi hệ thống ăngten điện tử quét chủ động (AESA) bố trí trên máy bay chiến đấu đa năng (MRCA) được đưa vào sử dụng, lợi thế chất lượng sẽ nghiêng về Không quân Ấn Độ. Không quân Trung Quốc có thể sử dụng các sân bay trên đất liền với sự tiếp dầu trên không để đảm bảo đủ nhiên liệu trong tác chiến, nhưng lại hạn chế về số lần xuất kích. Các chuyến bay xa cũng sẽ làm cho phi công Trung Quốc mệt mỏi dẫn đến chiến đấu kém hiệu quả. Hơn nữa, với biên chế khoảng 20 máy bay H-6U, Không quân Trung Quốc không có đủ máy bay tiếp dầu. Chỉ có IL-78 có thể tiếp dầu cho máy bay J-11, nhưng hợp đồng mua bán từ năm 2005 với Nga đang gặp khó khăn.
Chỉ có 1/4 máy bay của Trung Quốc có thể được tiếp dầu trên không. Chương trình tiếp dầu trên không của Trung Quốc hiện chủ yếu hướng tới triển khai sức mạnh ở Biển Đông. Khả năng không vận của Không quân Trung Quốc cũng rất yếu. Máy bay vận tải cỡ lớn loại IL-76 chỉ có 10 chiếc. Trung Quốc có thể sử dụng các máy bay dân sự để phục vụ chiến tranh nhưng điều này sẽ gây thiệt hại cho kinh tế nội địa. Về đảm bảo hậu cần thường xuyên, Trung Quốc phải vận chuyển qua Tây Tạng bằng cả đường bộ và đường sắt nên rất dễ bị ngăn chặn từ trên không.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Nhâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét