Thứ hai 13/01/2014 06:21
ANTĐ - Trên trang web của tạp chí "Học giả ngoại giao" Nhật Bản vừa giới thiệu một bài viết, trong đó đánh giá rất thấp năng lực săn ngầm của máy bay trinh sát chống ngầm Trung Quốc.
Tạp chí của Nhật Bản đã giới thiệu bài viết: “Sát thủ tàu ngầm Mỹ của Trung Quốc?” của tác giả David Axe. Bài viết cho biết, Trung Quốc vừa giới thiệu loại máy bay tuần tiễu chống ngầm thế hệ mới Y-8F-600. Với chức năng chính là săn tìm và tiêu diệt tàu ngầm, vậy tính năng của nó ra sao và chủ yếu đối phó với những loại tàu ngầm nào?
Trên các trang mạng Trung Quốc đã xuất hiện những hình ảnh đầu tiên về Y-8F-600 - một biến thể được thiết kế từ nguyên mẫu của loại máy bay vận tải cũ kỹ An-12 của Nga. Theo thông tin của Trung Quốc, nước này hiện đã sản xuất được 2 chiếc máy bay trinh sát chống ngầm loại này, chứng tỏ nó bắt đầu bước vào giai đoạn thử nghiệm.
Theo đúng quy trình, trước khi các loại máy bay chiến đấu được đưa vào sử dụng cũng phải trải qua rất nhiều thử nghiệm và điều chỉnh phương án thiết kế. Theo tin cho biết, Y-8F-600 được trang bị các loại radar tìm kiếm mặt biển, cảm biến hồng ngoại và các thiết bị thăm dò từ tính dùng để phát hiện tàu ngầm lặn dưới nước. Đồng thời nó cũng có 1 khoang vũ khí với các loại ngư lôi chống ngầm.
Chuyên gia Bill Sweetman bình luận trên tạp chí “Hàng không”: “Sự xuất hiện phiên bản chống ngầm mới của Y-8, thể hiện tham vọng phát triển năng lực chống ngầm của Trung Quốc, nhưng chế tạo ra 1 chiếc máy bay chỉ là bộ phận rất nhỏ trong tác chiến chống ngầm. Để có phát hiện và tiêu diệt ngầm nó còn phải có những thiết bị cảm biến và công nghệ chế tạo tiên tiến, đòi hỏi phải có những chuyên gia kỹ thuật hàng đầu, mà điều này Trung Quốc vẫn chưa có”.
Muốn phát triển và duy trì một năng lực tác chiến chống ngầm viễn dương trên một vùng biển lớn, cần có khả năng phòng thủ và tấn công tầm xa và dưới tầng nước sâu. Để thực hiện được điều này thì ngoài trực thăng săn ngầm, tàu hộ vệ chống ngầm, vấn đề đặc biệt quan trọng là phải có những tàu ngầm hạt nhân cỡ lớn và máy bay trinh sát chống ngầm cánh cố định, cất cánh từ đất liền. Cả 2 năng lực này hiện Trung Quốc đều có, nhưng rất yếu.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hải quân Mỹ và lực lượng tự vệ trên biển của Nhật đã phát triển một mạng lưới tác chiến chống ngầm cực kỳ hiện đại, đa dạng và nhiều tầng lớp. Trong đó, bao gồm máy bay tuần tiễu chống ngầm cánh cố định P-3C Orion, thiết bị cảm biến dưới đáy biển, tàu hộ vệ chống ngầm, tàu đo đạc âm hưởng và các thiết bị trên tàu ngầm. Đầu tiên, mục đích xây dựng hệ thống này là để đối phó với tàu ngầm Liên Xô, nhưng hiện nay nó đã trở thành các những sát thủ đối với tàu ngầm Trung Quốc.
“The Diplomat” cho biết, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc khoảng 10 năm, Mỹ và Nhật đã chuyển hướng sử dụng các hệ thống này sang đối phó với các tàu ngầm động cơ diezen và sau này là tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc. Đồng thời còn nghiên cứu, phát triển những máy bay tác chiến chống ngầm thế hệ mới cực kỳ tiên tiến là P-1 (của Nhật) và P-8A Poseidon (của Mỹ) để thay thế cho loại máy bay đã già cũ là P-3C Orion.
Hiện nay, máy bay trinh sát chống ngầm Y-8 của Trung Quốc được xếp vào thế hệ thứ 2, xét về công nghệ radar, sonar và các thiết bị cảm biến khác nó còn đi sau P-1 và P-8 tới hơn 1 thế hệ. Y-8 của Trung Quốc chỉ có khả năng phát hiện và theo dõi những loại tàu ngầm cũ của Đài Loan. Cùng với sự giúp đỡ của các lực lượng săn ngầm khác, chưa chắc Trung Quốc đã phát hiện và theo dõi được các tàu ngầm Kilo khi chúng hoạt động trên biển Đông.
Nhà phân tích của Viện khoa học và công nghệ MIT của Mỹ là ông Owen Cote cũng nhận định, Trung Quốc có năng lực tác chiến chống ngầm rất hạn chế và dường như họ không có những nỗ lực đột phá để cải thiện tình trạng này. Hải quân Trung Quốc hiện đang chú trọng vào khả năng phòng thủ ven bờ, chủ yếu đối phó với sự uy hiếp từ các tàu ngầm thông thường sử dụng động cơ diezen và các tàu ngầm hạt nhân Mỹ, nhưng trong phạm vi gần bờ mà hiện nay, các tàu ngầm đều có phạm vi tấn công rất xa từ giữa biển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét