(PetroTimes) - Luật sư Nguyễn Am, Ủy viên Hội đồng Luật sư Việt Nam cho PetroTimes biết: Chiếu theo Điều 35 của Bộ luật hình sự năm 1999 thì người cầm đầu vụ lừa đảo gần 5.000 tỷ đồng Huỳnh Thị Huyền Như sẽ nằm ngoài diện bị áp dụng hình phạt tử hình.
Luật sư Nguyễn Am, Ủy viên Hội đồng Luật sư Việt Nam. |
Từ sáng 6/1, Tòa án nhân dân TP HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 15 nguyên đơn dân sự, bị hại là các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân.
Huỳnh Thị Huyền Như, 35 tuổi, nguyên cán bộ Ngân hàng TMCP Công thương VN – VietinBank cùng 22 bị cáo khác bị truy tố về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “cho vay nặng lãi”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “làm giả con dấu, tài liệu cơ quan nhà nước”. Số tiền lừa đảo và bị chiếm đoạt là gần 4.000 tỉ đồng bằng những hợp đồng có con dấu giả, chữ ký giả.
Theo thông tin từ hội đồng xét xử, đây là vụ án lừa đảo, chiếm đoạt với số tiền lớn, phức tạp mà người cầm đầu là “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như. Tuy nhiên, tình tiết khiến dư luận bất ngờ nhất đó là kể cả bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đứng trước khung hình phạt cao nhất là tử hình thì cũng được chuyển xuống thành chung thân.
Trao đổi với PetroTimes, Luật sư Nguyễn Am, Ủy viên Hội đồng Luật sư Việt Nam cho biết: Theo quy định của BLHS 1999 (Điều 35), hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với nhóm các tội đặc biệt nghiêm trọng; không cho phép việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên và phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.
Luật cũng quy định: Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.
Ngoài ra, tại những quy định sửa đổi bổ sung của Bộ luật hình sự 2009 cũng nói rất rõ việc này. Thêm vào đó là phụ nữ có thai phạm tội (khi phạm tội đang có thai) là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp này chính là một căc cứ để hội đồng xét xử quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
Không thể khép tội tử hình với Huỳnh Thị Huyền Như.
Cụ thể, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi (điểm b khoản 1 Điều 61 BLHS). Khi người đang chấp hành hình phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 62 BLHS).
“Pháp luật quy định nhiều trường hợp được hoãn thi hành án là để thể hiện sự mềm mỏng, nhân đạo. Tuy nhiên, cũng chính từ quy định nhân đạo này mà bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã chắc chắn thoát khung hình phạt tử hình. Theo đó, nếu như bị cáo Như đối diện với tội danh của khung hình phạt cao nhất là tử hình thì cũng sẽ được chuyển thành chung thân.
Ngoài ra, bị cáo Như có thể được xem xét hoãn thi hành án vì đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Hiện tại con của bị cáo Như mới được 24 tháng. Như vậy, nếu được xem xét thì bị cáo Như sẽ được hoãn thi hành án phạt tù thêm 12 tháng.
Đây là thông tin khiến tôi và nhiều cơ quan tiến hành tố tụng khác bất ngờ trong một vụ án lớn như vậy mà người chủ mưu lừa đảo Huỳnh Thị Huyền Như lại có thai khi bị bắt và sinh con trong trại giam” - LS Nguyễn Am nói.
P.V
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét