GDP năm 2013 tăng 5,42% so với năm 2012, diễn biến tăng dần qua từng quý, cho thấy nền kinh tế đang có bước hồi phục. Nhưng TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM, cho rằng: "Quá trình phục hồi nền kinh tế không đơn giản".
* Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2014 được dự báo vẫn khó khăn, ông nhận định thế nào về nền kinh tế Việt Nam?
- Năm 2010, tăng trưởng kinh tế của các nước trên thế giới đạt khá cao, bình quân trên 5%, nhưng từ đó đến 2013, phục hồi khó và tăng trưởng suy giảm. Những dự báo gần đây nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới cho thấy năm 2014 - 2015, kinh tế thế giới có ít nhiều phục hồi so với 2013.
Nhưng có hai điểm đáng lưu ý. Một là, mức độ phục hồi dự báo gần đây càng cho thấy thấp hơn. Ví dụ, năm 2013 là 1% thì năm sau là 1,02%, trước đây dự báo là 1,03% thì bây giờ còn 1,025%. Hai là, các vấn đề rủi ro đối với châu Âu, đối với Hoa Kỳ vẫn còn nhưng đã có một số dấu hiệu tích cực hơn trong chuyển động kinh tế và xử lý khó khăn.
Ngược lại, rủi ro từ một số nền kinh tế mới nổi lại tăng lên. Trung Quốc, Ấn Độ được coi là đầu tàu dẫn dắt kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trước đây 9 - 10%, bây giờ chỉ quanh 7,5%, kéo theo đó là các vấn đề về xã hội, về không hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, của tăng trưởng nóng.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam lại rất mở, nhất là về thương mại, đầu tư và bước đầu kể cả dòng vốn khác. Cho nên, những thay đổi, biến động của nền kinh tế thế giới chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.
* Nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm 2014 sẽ cao hơn năm 2013 và tiếp tục tăng vào năm 2015, vậy ý kiến của ông?
- Dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế đều cho rằng, Việt Nam cũng sẽ phục hồi nền kinh tế theo chiều hướng của thế giới, nhưng sự phục hồi cũng chỉ vừa phải. Năm 2013, kinh tế có thể đạt 5,3 - 5,4% tăng trưởng, quanh mức 5,5% năm 2014 và đến năm 2015 là khoảng 5,7 - 5,8%.
Những dự báo này thận trọng hơn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2014 là 5,8% và 2015 là 6%. Nếu so với tiềm năng kinh tế Việt Nam thì dưới mức tiềm năng.
* Trong năm 2014, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,8%, chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%, là những mục tiêu quan trọng do Chính phủ đề ra. Ông nhận xét thế nào về sự kỳ vọng này?
- Quá trình phục hồi nền kinh tế không đơn giản và có rủi ro vì nằm trong tương tác với ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế. Rủi ro gắn với những biện pháp cụ thể để cương quyết giữ ổn định nền kinh tế, linh hoạt trong điều hành và phối hợp tốt.
Rủi ro cũng có thể từ các cú sốc ở bên ngoài và các cú sốc đó đòi hỏi phải có những điều chỉnh, như nâng trần bội chi, phát hành trái phiếu 170 ngàn tỷ đồng cho ba năm tới.
Nền kinh tế năm 2014 có thể tốt hơn một chút so với dự báo, vì phát triển, tăng trưởng còn phụ thuộc vào đầu tư tư nhân, phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài và cả đầu tư công.
Tất nhiên nó còn phụ thuộc vào chính sách. Lòng tin sẽ quay trở lại khi Việt Nam thực sự ổn định nền kinh tế, thực sự bắt tay vào cải cách nền kinh tế cùng với những thuận lợi đến từ các hiệp định thương mại tự do.
* Cảm ơn ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét