>> Cổ vũ, giáo dục tinh thần bảo vệ đường biên
>> Đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bớt làm những chiến lược tốn kém
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Nhật Bắc |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trong số các nhiệm vụ của VPCP có việc thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn, dư luận xã hội để báo cáo, đề xuất Thủ tướng, các phó thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, xử lý kịp thời hoặc phân công các bộ, ngành, địa phương xử lý, kiểm tra, báo cáo.
Không giấu giếm yếu kém
"Công dân có quyền được thông tin. Bây giờ người dân cầm điện thoại di động trên tay cũng có thể truy cập được thông tin và biết được nhiều thông tin. Trách nhiệm của Chính phủ là cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ cho người dân" Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG |
Thủ tướng cũng yêu cầu VPCP chủ động thông tin về các vấn đề nóng, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận, báo chí, không để kéo dài mà không có chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Ví dụ như vụ bác sĩ Cát Tường, người đứng đầu Chính phủ phải trực tiếp nhắc các cơ quan chức năng, dù đây là việc ở tầm các cơ quan chức năng bên dưới có thể xử lý được.
Thủ tướng cho rằng vụ bác sĩ Cát Tường có hành động dã man nhưng chỉ là cá biệt, đội ngũ y bác sĩ phần lớn có trách nhiệm với nghề nghiệp, giữ vững y đức, còn cá biệt thì xã hội nào cũng có, về phía cơ quan quản lý nhà nước phải làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, xem xét các kẽ hở về quản lý nếu có thì đưa ra giải pháp khắc phục ngay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đòi hỏi của xã hội là thông tin nhanh, kịp thời, chính xác. Do vậy các bộ trưởng, trưởng ngành cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để tạo sự đồng thuận xã hội, cung cấp thông tin về những việc làm được và kể cả khuyết điểm, yếu kém cũng không giấu giếm. Đồng thời chú ý đến trách nhiệm giải trình, giải đáp của cơ quan nhà nước đối với những vấn đề còn nổi cộm, những việc chưa thông suốt, những chủ trương, chính sách mới. Bộ trưởng chủ trì việc ban hành chủ trương, chính sách có trách nhiệm giải trình với người dân. “Trách nhiệm của chúng ta là giải trình, giải đáp cho người dân với tinh thần Chính phủ phục vụ. Có việc thứ trưởng, có việc bộ trưởng hoặc phó thủ tướng, có việc do Thủ tướng Chính phủ phải giải trình, tôi rất sẵn sàng”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Đề cập giá điện, giá xăng dầu... Thủ tướng nêu rõ phải công khai các yếu tố hình thành giá, không đơn giản là đưa thông tin lên trang web của doanh nghiệp mà còn phải đưa lên các bản tin thời sự có nhiều người xem nhất. “Công khai cụ thể như bao nhiêu yếu tố hình thành ra mức giá này, lợi nhuận là bao nhiêu. Không được để nhân dân thắc mắc”.
Thí điểm tham vấn chuyên gia
Tại hội nghị, lãnh đạo VPCP cho biết dù số lượng văn bản phải xây dựng, ban hành năm 2013 tăng hơn so với các năm trước, nhưng số văn bản nợ đọng lại ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong quá trình thẩm tra đề án, dự án, dự thảo, VPCP luôn chú trọng đến việc đánh giá tác động của chính sách, có sáng kiến và bước đầu tổ chức thí điểm cơ chế tham vấn ý kiến chuyên gia, nhằm đảm bảo tính khả thi của chính sách, hạn chế ban hành những chính sách chưa phù hợp hoặc chưa thật sự bức thiết gây phản ứng trong dư luận xã hội.
Đánh giá cao sự đóng góp thiết thực của VPCP trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh: VPCP cần bám sát vào nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, qua đó xây dựng chương trình công tác với tinh thần đúng chủ trương, đường lối và bao quát các lĩnh vực, nhất là sát với cuộc sống. “Lấy ví dụ lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, nếu nhìn vào chương trình không thấy có đề án, không thấy có nội dung thì làm sao đáp ứng được yêu cầu. Đây là lĩnh vực cần hết sức quan tâm chăm lo” - Thủ tướng nói.
Đề cập tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng nói: “Phiên họp Chính phủ nào tôi cũng thảo luận với các bộ trưởng về công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách. Từ đó tạo điều kiện, tạo môi trường, tạo khuôn khổ pháp lý tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp hoạt động”. Thủ tướng cho biết trước đây các lĩnh vực như đầu tư công, khai thác khoáng sản... có những tồn tại kéo dài “nói mãi không thay đổi”, nhưng khi người đứng đầu Chính phủ trực tiếp cùng lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành chỉ thị để chấn chỉnh thì đã có chuyển động tích cực. Hay trường hợp một nghị định có liên quan đến Bộ Khoa học - công nghệ và Bộ Tài chính, ý kiến qua lại mấy tháng chưa ban hành được, nhưng khi Thủ tướng trực tiếp chủ trì thì “15 phút là xong”.
Theo Thủ tướng, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, do vậy việc chậm ban hành văn bản pháp luật sẽ làm hoạt động xã hội tắc nghẽn. Ở đây, VPCP có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp giúp Chính phủ xây dựng kế hoạch và tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, đặc biệt là khẩn trương ban hành văn bản triển khai thực hiện Hiến pháp 2013. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các đề án, dự án, dự thảo nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật. “Chúng ta ban hành hàng chục nghìn quy định, nhưng chỉ có một vài quy định không khả thi, không sát với thực tiễn sẽ gây ảnh hưởng không tốt. Vì vậy bên cạnh yêu cầu về số lượng và tiến độ, cần chú trọng đến chất lượng thể chế. Các văn bản ban hành ra phải phù hợp với quy luật phát triển, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của người dân” - Thủ tướng nói.
VÕ VĂN THÀNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét