- Trong 2 ngày diễn ra phiên xử Dương Tự Trọng, đã xảy ra những bất ngờ, thậm chí gây rúng động.
Bất cần hay chấp nhận
Từng là “sát tinh” của bọn tội phạm, từng được biết đến như một người hùng, được nhiều người nể trọng, khi ra tòa, thái độ của ông Dương Tự Trọng khiến nhiều người thấy khó lý giải.
Bị truy tố tội “Tổ chức đưa người khác trốn ra nước ngoài”, trong suốt phiên xét xử, mỗi lần bị hỏi đến, bị cáo Dương Tự Trọng chỉ luôn lặp lại những câu giống nhau: “Tôi không công nhận, cũng không phủ nhận”; “Tôi không nhớ”.
Dương Tự Trọng tại phiên xét xử |
Thái độ của ông Trọng tại tòa bị VKS quy kết là ngoan cố, không khai, thể hiện ý chí coi thường, bất chấp pháp luật, cần xử nghiêm.
Bị VKS quy kết như vậy, Dương Tự Trọng cho rằng: “Bảo tôi ngoan cố là không chính xác. Vì trí nhớ, tôi không hiểu các bị cáo khác nói đúng hay sai, tôi không phản đối và không xác nhận, không thắc mắc gì thì không thể nói tôi ngoan cố được”.
Giữ gương mặt lạnh lùng, luôn miệng nói không nhớ, nhưng mỗi khi cất lời, những gì tuôn ra từ bị cáo này đều hết sức khúc triết, mạch lạc và cả cảm động.
Trong lời nói sau cùng của mình, ông Dương Tự Trọng bầy tỏ tình cảm của mình với người anh trai đã khiến ông phải lâm đường lao lý: “Dương Chí Dũng là anh ruột của tôi. Tôi luôn sống cùng với kỷ niệm của hai anh em và càng thấy thương anh tôi nhiều hơn.
Thường ước được cầu mong cho anh tôi được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, lòng từ bi khoan dung độ lượng vị tha của người đời. Tình cảm ấy tôi nghĩ ở mỗi con người ai cũng có, mong mọi người thông cảm.
Với các bị cáo khác, mong HĐXX khách quan, đánh giá đúng người đúng tội, mở lượng khoan hồng để họ sớm về với cuộc đời. Cá nhân tôi sẵn sàng chấp nhận thực hiện nghiêm túc bản án HĐXX dành cho tôi.”
Không có một lời nào xin cho mình, bị cáo này bất cần hay chấp nhận?
Tình tiết bất ngờ
Trong phiên tòa cách đây gần một tháng vào ngày 16/12/2013, ông Dương Chí Dũng cũng khai nhận, sau khi được "mật báo", ông ta đã hoảng sợ tìm cách bỏ trốn.
Anh em Dương Chí Dũng |
Khi HĐXX yêu cầu tiết lộ danh tính người đã "mật báo" để ông ta bỏ trốn, Dương Chí Dũng ấp úng, rồi trình bày đây là phiên tòa xét xử tội “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô” nên không muốn nói ra tên người đã "mật báo".
Xuất hiện tại tòa với tư cách là nhân chứng, ông Dương Chí Dũng đã bất ngờ tiết lộ danh tính người đã mật báo và khuyên ông ta nên bỏ trốn là một cán bộ công an.
"Khi nghe thông tin sẽ bị bắt và bị khởi tố, tôi rất bàng hoàng, không làm chủ được mình, quyết định làm theo lời khuyên bỏ trốn và không nghĩ được gì khác", Dương Chí Dũng khai.
Dương Chí Dũng cũng khẳng định, trước đó đã mang một số tiền lớn biếu cán bộ công an này để nhờ ‘lo giúp’.
Căn cứ lời khai của Dương Chí Dũng, đại diện VKS nhận thấy có dấu hiệu cố ý làm lộ công tác nên kiến nghị khởi tố vụ án hình sự “Làm lộ bí mật Nhà nước”.
Tại tòa, trong phần công bố bản án, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa đã chấp nhận kiến nghị của đại diện VKS về việc khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước”.
HĐXX cho rằng, với lời khai của Dương Chí Dũng và lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn tại tòa cùng các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở cho thấy có dấu hiệu phạm tội làm “Lộ bí mật Nhà nước”.
Vậy nên, ngay tại tòa, chủ tọa phiên tòa đã công bố Quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự.
Nội dung của quyết định này nêu rõ: Căn cứ vào lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn, nhân chứng Dương Chí Dũng và các tài liệu khác có trong vụ án Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; Căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa; Căn cứ vào đề nghị của đại diện VKS, HĐXX xét thấy có dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo quy định tại điều 263 Bộ luật Hình sự.
T.Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét