Động lực trên hành trình kêu oan
Nhiều người nói, bà là một “Bao Công” giữa đời thường, là một vị cứu tinh khi suốt 10 năm đằng đẵng đồng hành cùng những người không có mối quan hệ huyết thống trên con đường đi kêu oan... Kết thúc có hậu của hành trình kêu oan 10 năm ấy là ông Nguyễn Thanh Chấn được tự do.
Bà là Thân Thị Hải (Bắc Giang). Với người phụ nữ ở tuổi gần 60 ấy, bà đi tìm lẽ phải vì cái tâm của mình chứ không phải để đòi hỏi mình được ghi danh hay nhận về món quà từ bất cứ ai.
Khi kể lại câu chuyện của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn và bà Nguyễn Thị Chiến (thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang), những tâm sự của bà Hải như chảy mãi cùng những dòng cảm xúc: vui có, buồn có thậm chí là cả sự phẫn nộ.
Trong suốt 10 năm đồng hành cùng ông Thân Văn Hoạt, bà Chiến, có những lúc, cảm xúc của bà Hải rơi vào trạng thái bị mòn mỏi, chán chường. Nhưng bà Hải vui khi hung thủ thực sự của vụ án mạng giết người gây xôn xao dư luận năm 2003 tại xã Nghĩa Trung mà nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan, đã được đưa ra ánh sáng pháp luật. Và gia đình ông Chấn đã tìm được lại người con, người chồng, người cha khi sự việc đang dần sáng tỏ.
Bà Thân Thị Hải
“Đứng phía sau song sắt, Chấn quỳ sụp trước mặt tôi khóc: “Em không bao giờ giết người. Em thề với chị là em không có tội, chị phải tin em”. Từ thái độ, cử chỉ, hành động của Chấn, tôi khẳng định Chấn không giết người. Vì Chấn hiền lắm, ở nhà có công việc, đến giết con gà Chấn còn không dám cắt tiết thì làm sao giết người được”, bà Hải nhớ lại kỉ niệm bà không bao giờ quên được khi lần đầu tiên vào thăm ông Chấn tại trại giam ở Kế (Bắc Giang) sau ngày 15/8/2003 xảy ra vụ án tại thôn Me.
Nhưng bản án sơ thẩm và phúc thẩm của tòa đều kết luận Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người và kết án chung thân. Sau bản án đó, gia đình ông Chấn rất buồn. Lúc này, bà Hải đã nhờ chồng mình chỉ giúp bà Chiến cách viết những lá đơn đầu tiên. "Chị Chiến khi đó là người phụ nữ dường như đang đi tới tận cùng của sự đau khổ, để kêu oan cho chồng", lời bà Hải. Bà Hải và chồng đều xây dựng cho mình vững chắc niềm tin: Nguyễn Thanh Chấn không phải hung thủ của vụ án.
Bởi lẽ, theo bà Hải, lúc đó, chồng bà đã phân tích những điểm bất cập trong kết luận của cơ quan chức năng như: “Khi so sánh và đối chứng với kết quả xác định dấu chân của Nguyễn Thanh Chấn thuộc diện nghi vấn, về kích thước cơ học của hai dấu bàn chân bên phải và bên trái gần đúng kích thước những dấu vết để lại tại hiện trường của vụ án mạng đêm 15/8/2003”, thì kết luận này không có cơ sở. Hơn nữa, vân tay của hung thủ để lại ở nhiều nơi tại hiện trường nhưng trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra không lấy vân tay ở bất kì nơi nào, đó là điều vô lý…Theo bà Hải, một người nông dân cũng thấy điều đó là vô lý. "Từ bé tôi mới thấy chuyện lấy dấu chân tại hiện trường như vụ của Chấn", lời bà Hải.
Và những lá đơn “kêu oan” được gửi đi khắp nơi, tới cả Công an huyện Việt Yên, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao… có những nơi không ai trả lời hoặc có những cơ quan chỉ trả lời sơ sài là, tôi đã nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Chiến ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang, chúng tôi sẽ xem xét và giải quyết.
Điều đó, nhiều khi khiến bà Hải nản và chỉ đợi một ngày nào đó kẻ giết người lương tâm cắn rứt sẽ ra đầu thú. Nhưng nghĩ tới án oan của ông Chấn bà lại dặn lòng tiếp tục cố gắng.
Trong hành trình đi kêu oan cho chồng của bà Chiến đã có không biết bao nhiêu đơn thư đã được gửi tới các cơ quan chức năng
Khi hành trình kêu oan còn dang dở, 3 năm sau ngày ông Chấn bị bắt, ông Nguyễn Văn Ngọc, chồng bà Hải mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời. Lời trăn trối của chồng trước lúc mất: “Còn sức khỏe, em hãy làm mọi cách, phải đồng hành cùng vợ chồng Chấn đi tìm sự thật”, chính nghiệp vụ và câu nói đó của chồng trước những ngày lâm chung đã tiếp thêm cho bà Hải sức mạnh, niềm tin trên hành trình mà mình đang dang dở, dẫu biết phía trước còn nhiều chông gai.
Bà Hải tin tuyệt đối vào chồng mình vì ông Ngọc nguyên là cán bộ công an. Là người làm công tác nghiên cứu tổng hợp tất cả những đơn thư trong nhiều vụ việc ở Bắc Giang, ông Ngọc từng nói với vợ: Nếu cán bộ nghiên cứu mà không giỏi, không hiểu biết mà một từ, một chữ hoặc sai, hoặc thừa, hoặc thiếu là sẽ làm sai lệch vụ án dẫn tới có người tù oan, chết oan.
Bà nghiên cứu thêm nhiều tài liệu, tìm hiểu các vụ án oan sai đã từng được đưa ra dư luận… để cho mình thêm những kĩ năng, nghiệp vụ. Đến năm 2013, khi đã biết được thủ phạm thực sự của vụ án là ai, bà Hải lại trăn trở với câu hỏi: “Tìm ra thủ phạm rồi nhưng tìm ai để đồng hành giúp mình bắt được tội phạm?”. Một lần nữa, trái tim lại thôi thúc bà cùng gia đình mang đơn gõ cửa các cơ quan chức năng.
Tiếng nói đồng cảm với người phụ nữ 10 năm kêu oan cho chồng
Và hôm nay, ông Nguyễn Thanh Chấn đã trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Lý Nguyễn Chung đã ra nhận tội là hung thủ giết chị Nguyễn Thị Hoan. Trước giây phút ấy, niềm vui của bà Hải cũng hòa trong những giọt nước mắt hạnh phúc.
Nhưng khi nhắc về người phụ nữ mà mình đã đồng hành trong suốt 10 năm qua, bà Hải chỉ biết nói tới từ “đồng cảm” và “khâm phục”. Đó là bà Chiến, vợ ông Chấn.
“Cuộc sống của Chiến rất cơ cực và nhiều nước mắt”, giọng bỗng chốc chùng xuống, bà Hải tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Chiến và ông Nguyễn Thanh Chấn trong những ngày đoàn viên
Từng được nghe câu chuyện cụ Phạm Thị Vì (mẹ ông Chấn) đi ăn cỗ bị người làng kì thị, dân làng không mua hàng của bà Chiến, rồi con ông Chấn đi học bị bạn bè xa lánh… chỉ vì ông Chấn mang tội giết người, bà Hải đã đau, nỗi đau của một người phụ nữ, người mẹ và hơn hết là người luôn sống trọn với chữ “Tâm”.
Trong sự bức xúc, trong nỗi đau ấy, bà Hải đã từng nói với người dân làng Me: “Sao các cô, các bác, các anh, chị lại vô cảm như thế? Họ đã rất đau khổ vì con, vì chồng, vì cha họ đi tù. Nếu anh Chấn có giết người thực sự đi nữa nhưng người thân của anh ấy không có tội. Mọi người không nên đối xử với họ như thế. Họ cũng là con người”.
Dừng lại ít phút, bà Hải đưa ra cho chúng tôi một so sánh khiến bà đã suy nghĩ rất nhiều.
Đó là, trong buổi “Hội thảo khoa học về việc tìm hài cốt liệt sĩ bằng khả năng đặc biệt và phần hài cốt còn lại của liệt sĩ Phùng Chí Kiên” diễn ra ngày 6/11, Phan Thị Bích Hằng có nói mình cũng là người phụ nữ bình thường, sống với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, có những thiên chức của người phụ nữ… Và mong muốn được hưởng cuộc sống như những người bình thường, có những ngày chủ nhật với gia đình….nhưng những ngày đó, Phan Thị Bích Hằng lại phải khoác ba lô lên đường để tìm mộ liệt sĩ. Khi VTV phát sóng chương trình “Mãi mãi tuổi hai mươi”, con Phan Thị Bích Hằng đã ôm bà và khóc: “Bà ơi con không thích mẹ là liệt sĩ đâu”. Còn mẹ Hằng cũng nói Hằng chọn: “Một là liệt sĩ, hai là mẹ”. Phan Thị Bích Hằng đã vô cùng đau đớn.
“Chỉ có thế thôi, Phan Thị Bích Hằng đã đau đớn như thế rồi. Còn gia đình nhà chị Chiến thì sao khi các thành viên trong gia đình phải chịu những sự xa lánh của dân làng, bạn bè, cuộc sống thì lam lũ, khổ sở…”, mím chặt môi, bà Hải nói.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong niềm vui gặp lại những người bạn học khóa 1979 - 1980 trường THPT Việt Yên 1 (Bắc Giang)
Không chỉ có bà Hải dành cho bà Chiến những lời khâm phục mà theo bà Hải kể lại thì, ngay cả cán bộ trại giam Vĩnh Quang cũng dành cho bà Chiến những lời ca ngợi về một người phụ nữ “có một không hai”, khi 10 năm đi kêu oan cho chồng, 10 năm vẫn miệt mài vào thăm chồng đang chịu án tù chung thân.
“Nếu có người tìm đến tôi để nhờ đồng hành cùng họ trên con đường đi tìm lẽ phải, tôi sẽ xem xét bản chất của sự việc và cũng sẵn sàng giúp họ nếu họ thực sự bị oan”, bà Hải tâm sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét