“Tôi đã nói chuyện nhiều lần với bà V., để mong níu kéo chút tình người của bà. Cũng không ít lần gửi đơn đến tòa án để còn niềm tin vào pháp luật. Nhưng tất cả đều rơi vào im lặng”. Những lời nói của ông Vương Chí Linh chứa đầy sự thất vọng, dự cảm cho ngày tai ương phủ xuống cả hai…
Trong rất nhiều văn bản gửi đến tòa án, ông Vương Chí Linh (phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) đều khẳng định phiên tòa sơ thẩm ngày 18.8.2010 của TAND quận Gò Vấp và nhiều lần hòa giải trước đó có nhiều điều không đúng sự thật. Cụ thể:
Ông Linh khẳng định trong thời gian xét xử, phiên tòa chỉ có 5 người: một thẩm phán, hai hội thẩm và hai đương sự là ông và vợ ông (bà N.T.T.V). Không có thư ký ghi biên bản phiên tòa.
Tuy nhiên, cuối cùng thì biên bản phiên tòa lại có chữ ký của thư ký Tưởng Công Sơn.
Ông Linh tố cáo biên bản phiên tòa đã được tạo dựng, không đúng sự thật. “Tôi đang lên án bà V. và đang yêu cầu tòa xét xử cho đúng chứ không phải cầu xin. Thế nhưng trong biên bản phiên tòa lại ghi chép như thể rằng người vợ cho chồng một số tài sản lớn. Người chồng đã bán đi để tiêu xài riêng”, ông từng khẳng định với phóng viên trước đây.
Về ngôi nhà ở đường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, đó là căn nhà chung do hai người cùng đứng tên nhưng bà V. bán được 2 tỉ đồng thì giữ riêng một mình. Vì là tài sản chung nên ông Linh yêu cầu chia, thì TAND quận Gò Vấp ra bản án lại viết: “ông Linh không tranh chấp hay khiếu nại gì”.
“Đó là những điều gian dối, bịa đặt. Những văn bản tôi gửi đến tòa hơn 20 trang giấy chỉ để mong tòa xác định hai điều: một là hành vi của bà V. có lừa đảo không, hai là vấn đề xác định và phân chia tài sản. Vậy mà tất cả đều rơi vào im lặng”. Sinh thời, ông Linh nói.
Ông Linh từng bảo rằng sau vụ ly hôn, ông mất hết niềm tin vào những người người xét xử vụ án, về công lý và tình người trong cuộc đời. Một lần tại tòa, ông nói nếu bản án ly hôn theo tất cả yêu cầu của bà V. thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp…
Nhưng, không ai ngờ ông đã gây án với bà, không phải đem đến cho bà cái chết mà là nỗi khắc khoải suốt cuộc đời vì di chứng axit. Còn ông, ông đã tự xử mình bằng một bản án cao hơn, nhưng êm ái hơn: cái chết.
Khi không còn niềm tin và tình người để bấu víu, ông trôi đi trong tội lỗi đường cùng…
(Ảnh: Bút tích của ông Vương Chí Linh)
Thanh Nhã
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét