Những ngư dân nói trên được ông Danh Nhung (ngụ cùng địa phương) giới thiệu cho một người đàn ông tên Út Hoàng (quê Kiên Giang) đưa đi làm ngư phủ cho những tàu đánh cá ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo lời hứa của Út Hoàng thì mỗi ngư dân được trả tiền công 7 triệu đồng cho một chuyến biển 40 ngày. Riêng ông Danh Nhung cũng được Út Hoàng hứa thưởng 500.000 đồng/lao động.
Sau cái chết tức tưởi của con gái, gia đình bà Huệ lại bị kẻ gian lừa đảo
Khi đưa được 14 ngư dân ra Vũng Tàu và phân phối cho các tàu cá tại đây, Út Hoàng nói sẽ cùng ông Danh Nhung mang tiền về đưa cho gia đình của họ. Tuy nhiên, trên đường đi, Út Hoàng trốn mất, bỏ ông Danh Nhung tay trắng về quê không biết ăn nói làm sao với bà con lối xóm.
Tìm đường về trong đói khát
Sau hơn một tháng làm việc quần quật trên tàu cá, ngư dân Hoàng Văn Nô trở về đất liền tại Vũng Tàu và tuyệt vọng khi nghe tin tiền công sức lao động của mình đã đi theo kẻ lừa đảo. Không tiền, ông và người đồng hương tên Chính mang số cá do chủ tàu cho bán được 400.000 đồng, đủ mua vé xe về đến Bến xe Miền Tây (TP HCM). Tại đây, 2 ông may mắn gặp người đàn ông tốt bụng mua cho 2 vé xe về Bạc Liêu. Ngồi trong căn nhà không có lấy một cái ghế để tiếp khách, ông Nô nghẹn giọng: “Những ngày lao động quần quật trên tàu, tôi cứ nghĩ ở nhà vợ con sống khỏe vì đã có tiền, có ngờ đâu cả nhà phải nheo nhóc vì đói”.
Ông Đặng Hồng Khánh, Trưởng Công an xã Vĩnh Thịnh, cho biết đến nay chỉ có 3 ngư dân trong tổng số 14 người đã trở về, 5 trường hợp khác liên lạc được với gia đình, còn lại 6 người bặt vô âm tín. “Hầu hết ngư dân này đều nghèo và thất học, họ không nhớ được số tàu từng đi, còn manh mối của kẻ lừa đảo thì chỉ là cái số điện thoại hiện không liên lạc được” - ông Khánh nói.
Theo các ngư dân, tàu của họ đi có nguồn gốc Bình Định, Hà Tĩnh. Trong đó, tàu mà ông Nô từng làm việc là tàu ở Hà Tĩnh, do một người tên Tư Hiệp làm chủ, thuyền trưởng tên Dẻ. Những chủ tàu khẳng định đã trả công cho họ trước khi lên tàu thông qua người môi giới nhưng không phải tên Út Hoàng.
Bi kịch chồng bi kịch
Căn nhà lá mục nát nằm hun hút sau một lối nhỏ ngập ngụa bùn đất ở xóm Cái Cùng (ấp Vĩnh Lạc) là nơi cư ngụ của gia đình ngư dân Dương Văn Toản, người đầu tiên trở về trong số 14 ngư dân “mất tích” 2 tháng trước. Song, đứa con trai lớn của ông Toản đi trên một tàu khác thì vẫn chưa hẹn ngày về. Bà Nguyễn Thanh Kim Huệ (vợ ông Toản) cho biết vừa trở về nhà không lâu thì chồng lại tiếp tục đi biển nhưng lần này đi theo ghe của một ngư dân địa phương. Chỉ tay lên mái nhà rách tả tơi, bà nói: “Tưởng đâu hai cha con đi chuyến biển đó có tiền sửa lại nhà, vậy mà kẻ bất lương cướp mất mồ hôi nước mắt của chồng con tôi. Những ngày chồng con đi biển, tôi ở nhà phải mượn nợ để ăn và cho 2 đứa con gái đi học”.
Hỏi chuyện hồi lâu, chúng tôi phát hiện ra đây chính là gia đình của cô gái bất hạnh Dương Thị Thu Hiền, người tử vong tại Bệnh viện Năm Căn (Cà Mau) cách nay hơn 2 năm khi mới 17 tuổi, làm chấn động dư luận cả nước. Bà Huệ buồn bã: “Con tôi chết tức tưởi như vậy mà đến nay vẫn không thấy ai bồi thường thiệt hại”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét