Tiếng nói của cả đám đông vô danh có thể “giết chết” cả những cảm tình thiêng liêng nhất?
Thần tượng từ lâu đã là sản phẩm của đám đông. Kể từ ngày người ta biết quý trọng một người tài năng và định ra cho họ một vị trí: trên bảng xếp hạng, trong trí tưởng tượng hay cả trái tim, thần tượng lại được khai sinh trong sự tung hê của một đám đông. Và, đám đông "không tên không tuổi" đó cũng được mang quyền sinh sát "dìm chết" một thần tượng. Họ nhân danh đám đông: “không phải tôi nói, mà cả đám đông nói”.
Sự việc Mr Đàm bị cả một đám đông “ném đá” khi anh được cho là “ngang nhiên” tiến vào lễ viếng trang trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khi rất đông người đang phải xếp hàng chờ đợi, buồn thay lại không đúng sự thật. Và đó cũng là kết quả một đám đông không rõ danh tính. Người ta nặng nhẹ chỉ trích và quăng về phía anh cái nhìn hơi thiếu thiện cảm.
Như vậy, sự việc ồn ào tại lễ viếng của vị tướng danh tiếng với một ngôi sao ca nhạc rốt cuộc cũng gói gọn trong 2 nguyên nhân: câu chuyện tình ngay lý gian và tâm lý vội vàng, a dua của số đông khi chưa tìm hiểu sự việc.
Tình “ngay” của Đàm Vĩnh Hưng là anh đã âm thầm lên kế hoạch chuyến thăm viếng cuối cùng dành cho vị danh tướng được cả dân tộc trọng vọng. Lý “gian” của sự vụ trên là hàng nghìn người thấy anh thản nhiên bước giữa phố Hoàng Diệu, được ưu ái vào trong, khi rất ít người biết đó là cách sắp xếp hợp lý từ chính gia đình đại tướng để tránh mọi ồn ào có thể xảy ra.
Danh tiếng giờ đây với Mr Đàm dường như quá phiền toái khi tình cảm của anh được đánh giá dựa trên những lần đứng trên sàn diễn. Nhận được sự cảm thông quý báu từ chính gia đình đại tướng nhưng người nghệ sỹ này lại khó được chấp nhận cũng bởi hào quang sân khấu và những hệ lụy luôn bủa vây anh.
Không như bao lần khác “xù lông” đáp trả công luận, Đàm Vĩnh Hưng nhẹ nhàng giải thích cho sự ồn ào của mình theo một chữ tình. Cái tình của gia đình tang quyến và cái tình của chính con người anh. Là nghệ sỹ khôn ngoan và đang trên đỉnh cao danh vọng, con người mạnh mẽ với scandal như Mr Đàm cũng khó mà tưởng tượng sức ảnh hưởng và tàn phá ghê gớm của “bão” công luận khi chỉ đánh giá sự việc dựa trên hiện tượng. Đồng thời tâm lý “đánh đồng” và a dua số đông dễ khiến nạn nhân “chết” theo tai tiếng một cách tức tưởi. May thay đó lại là Đàm Vĩnh Hưng. Phải chăng đám đông “nặng tay” đến vậy cũng chỉ bởi anh đã quen “lì đòn” với những điều khắc nghiệt?
Tâm lý đám đông từ lâu đã tồn tại trong showbiz như một điều nhức nhối hơn là một điểm sáng tích cực. Fanclub hùng hậu của một nữ ca sỹ tên tuổi hay đám đông cuồng nhiệt của một ngôi sao dân ca nhỏ tuổi dễ khiến “đối thủ” của họ phải choáng ngợp và cả lo sợ. Gạch đá hay những màn tranh cãi không hồi kết là minh chứng thiếu tích cực cho những đám đông không có trách nhiệm với phát ngôn hay hành động mình đã gây nên.
Người dân xếp hàng trật tự vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cũng như câu chuyện con gà và quả trứng, sự thiếu trách nhiệm và vội vàng trong đám đông lại góp phần tạo nên thói quen dễ dàng chỉ trích và chủ quan trong suy nghĩ dẫn đến một môi trường xã hội thiếu hẳn văn hóa phê bình và ngại bị phê bình. Showbiz vì thế cũng trở nên thị phi, mẫn cảm và ồn ào hơn bao giờ hết.
Chẳng cần bàn đến các vấn đề vĩ mô, nếu Đàm Vĩnh Hưng là một Huỳnh Minh Hưng bình thường như bao người dân khác, câu chuyện sáng ngày lễ viếng đầu tiên của Võ đại tướng liệu có ồn ào đến thế? Và người ta có mau chóng quên đi mình đang trong tâm thế đau buồn và mất mác để chuyển sang hướng công kích và đánh giá người khác? Nhiều người cho rằng, sự vội vàng quy chụp của công luận nguyên nhân cũng đến từ chính sự vội vàng của Đàm Vĩnh Hưng- giá như, anh đến chậm hơn và không phải trong thời gian nhạy cảm đó.
Nhưng rồi mọi chuyện có khác khi Mr Đàm luôn là tâm điểm của mọi sự chú ý? Cái cốt lõi cũng chỉ ở quan điểm và tinh thần của những người nhìn nhận sự việc. Cái ngày người ta nhận ra Đàm Vĩnh Hưng thực sự đã liên lạc với gia đình Đại tướng, quỳ gối kính cẩn trước di ảnh của người, độc nhất một mình trong không gian mênh mông đó, cùng với đóa hoa trắng lý ra đã phải để bên ngoài, cũng là ngày đám đông phần nào nhận ra sự vội vàng của mình để rồi vô tình giết chết thứ tình cảm thiêng liêng của một nghệ sỹ, mà không cần thêm bất kỳ sự can dự nào của danh xưng ông hoàng bà chúa.
Thế Hải (Báo Đất Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét